Hà Nội vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19
Tính đến hết ngày 16-1, toàn thành phố có 61.147 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (135), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (220), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3517), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1269), cơ sở thu dung quận, huyện (5367), theo dõi cách ly tại nhà (50.639). Số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung là 05 người; số ca tử vong trong ngày là 13 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 364 người. Ngoài ra, hơn 40.000 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Tính đến ngày 13-1, Thủ đô có 3.242 F0 nằm viện ở tầng 2 và 3, trong đó có 36 bệnh nhân nguy kịch (chiếm 0,06%/tổng số F0), 457 bệnh nhân nặng (0,84%) và 2.182 trung bình (4,03%). Riêng bệnh nhân nhẹ là khoảng 51.000 F0 (95,04%), chủ yếu là điều trị tại nhà hoặc các khu thu dung quận, huyện… Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong của Hà Nội thấp, dưới 0,3%, phần lớn là người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Theo báo cáo của Bệnh viện Thanh Nhàn, tuổi trung bình của bệnh nhân Covid-19
Trao đổi với chúng tôi về tình hình dịch tại Hà Nội hiện nay, TS, BS Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước tình hình số ca mắc tại Hà Nội liên tục tăng cao trong những ngày gần đây, ngành Y tế Hà Nội đã phê duyệt phương án điều trị cho 100.000 ca F0 theo phân tầng (3 tầng). Trong đó các bệnh viện tầng 1 đảm bảo điều trị cho 92% F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, ít nguy cơ phát triển diễn biến nặng.
Tầng này điều trị tại nhà (chiếm khoảng 50%) hoặc có thể vào các cơ sở thu dung của quận, huyện để theo dõi; hoặc vào cơ sở thu dung của thành phố (F0 nhẹ nhưng có nguy cơ). Tầng 2 điều trị cho bệnh nhân trung bình và nặng (6%), Thành phố đã kích hoạt hầu hết các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện tim, Bệnh viện Phổi…
Tầng 3 gồm 2.000 giường, trong đó có 1.000 giường là của bệnh viện tuyến Trung ương; 1.000 giường của 5 bệnh viện đa khoa Thủ đô gồm: Đức Giang, Sơn Tây, Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông.
Thủ đô có gần 3.000 ca mắc/ngày nhưng hiện chỉ có hơn 3.200 F0 nhập viện. Với 5 bệnh viện tầng 3 của Hà Nội và sự hỗ trợ điều trị của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vẫn đảm đương đủ công tác điều trị bệnh nhân nặng.
Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý F0 tại nhà
Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội còn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, nên việc quản lý cũng như chăm sóc bệnh nhân hiệu quả. Điển hình, Long Biên là quận đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng phần mềm quản lý F0 tại nhà, sau thời gian triển khai bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực.
Trao đổi về vấn đề nay, ông Nguyễn Hữu Quốc, Phó giám đốc Trung tâm y tế quận Long Biên cho biết, trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn quận Long Biên tăng khá cao. Nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin bằng phần mềm quản lý F0, nên việc quản lý cũng như chăm sóc bệnh nhân, nhất là bệnh nhân F0 điều trị tại nhà rất tiện lợi.
Để hỗ trợ tối đa, giúp những đối tượng F0 tại nhà an tâm điều trị, tránh gây hoang mang, lo lắng, thời gian qua, trên địa bàn Thành phố đã thành lập nhiều trạm y tế lưu động, cũng như đẩy mạnh hoạt động của Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà. Theo đó, Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 nhập thông tin người nhiễm bệnh Covid-19 lên hệ thống phần mềm sau khi nhận được dữ liệu từ y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành trực tiếp chủ động theo dõi, gọi điện hỗ trợ nhóm F0 có triệu chứng theo phân tầng trên phần mềm. Ngoài ra, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành còn nhận điện thoại được gọi từ F0 để hỗ trợ hướng dẫn khai báo thông tin sức khỏe trên phần mềm, tư vấn dinh dưỡng, an toàn lây nhiễm, trấn an tinh thần... cho bệnh nhân; kết hợp với tổng đài 1022 để nhận thông tin hỗ trợ F0 theo dõi tại nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, Hà Nội đã triển khai phần mềm quản lý F0 tại nhà. Hằng ngày, F0 phải tự khai báo 2 lần trên Hệ thống quản lý theo dõi bệnh nhân Covid-19 của thành phố. Khi khai báo sẽ phân độ ngay (xanh, vàng, cam, đỏ) tương đương với mức độ an toàn, trung bình, nguy cơ, nặng.
Các bác sĩ của mạng lưới thầy thuốc đồng hành cùng với cán bộ y tế xã phường theo dõi trên phần mềm này, bệnh nhân nào chuyển màu đỏ, họ sẽ liên lạc, nếu thấy dấu hiệu chuyển nặng sẽ được đưa tới bệnh viện, cơ sở thu dung tùy vào mức độ bệnh đã được phân tầng.
Hà Nội triển khai 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch Covid-19
TS, BS Nguyễn Đình Hưng cho biết, tính đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã phân 7.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện tầng 2 và 3, trong đó có 6.000 giường ở tầng 2 và 1.000 giường ở tầng 3. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội thấp, dưới 0,3%.
Có được tỷ lệ này là Thủ đô đã bố trí phân tầng tiếp nhận và điều trị F0 hợp lý, hiệu quả; cộng thêm tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nên 95% F0 ở thể nhẹ, không triệu chứng. Sở Y tế đã giao 4 bệnh viện đa khoa hạng I của thành phố mỗi bệnh viện chỉ đạo một nhóm bệnh viện tuyến dưới và trung tâm y tế quận, huyện về công tác chuyên môn. Vì vậy, khi bệnh nhân có dấu hiệu nặng được phát hiện và chuyển tầng kịp thời.
TS, BS Nguyễn Đình Hưng cho biết, Hà Nội triển khai 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch Covid-19, đó là: Tập trung tăng cường tiêm vắc xin đặc biệt là phủ sóng tiêm vắc xin tới các đối tượng nguy cơ là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, phụ nữ mang thai, chuẩn bị sinh...; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế bệnh nhân chuyển tầng, hạn chế số ca tử vong; tăng cường tuyên truyền thực hiện quy tắc 5K.
“Ở thời điểm này, khi độ phủ vắc xin đã đủ lớn, không thiếu thuốc kháng virus, người dân khi phát hiện dương tính cần bình tĩnh, không quá lo lắng, không sợ Covid-19 mà cần có ý thức cách ly, thông báo cho y tế cơ sở hoặc tổ hỗ trợ Covid-19 tại địa phương để cập nhật thông tin lên Hệ thống theo dõi bệnh nhân Covid-19 của thành phố. Mỗi ngày 2 lần cập nhật thông tin lên hệ thống này để các y, bác sĩ theo dõi, phân tầng điều trị kịp thời, phù hợp”, TS, BS Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, người dân hạn chế tiếp xúc đông người, đi chúc Tết nhưng vẫn phải tuân thủ 5K, giữ khoảng cách… Mọi người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình để đón một cái Tết khỏe mạnh, an vui.
THÁI SƠN