Băng vệ sinh là một vật dụng quen thuộc và cần thiết đối với các chị em phụ nữ. Thế nhưng, không ít bạn gái lại gặp phải tình trạng dị ứng băng vệ sinh khiến vùng kín bị nổi mẩn đỏ, ngứa, đau rát, thậm chí là viêm nhiễm… sau mỗi kỳ đèn đỏ.
Vậy, nguyên nhân và dấu hiệu dị ứng băng vệ sinh là gì? Cách điều trị dị ứng băng vệ sinh ra sao? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để có được câu trả lời.
Dị ứng băng vệ sinh: Nguyên nhân do đâu?
1. Vì sao phụ nữ bị dị ứng với băng vệ sinh?
Thông thường, về mặt bản chất, tình trạng dị ứng băng vệ sinh là một trường hợp của viêm da tiếp xúc. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến phụ nữ bị dị ứng với băng vệ sinh, bao gồm:
- Ma sát: Đa phần các bạn gái thích sử dụng băng vệ sinh có cánh để băng không bị xê dịch khi chuyển động. Thế nhưng, điều này lại vô tình gây cọ xát và tổn thương vùng kín. Việc sử dụng quần lót quá bó sát cũng có thể gây cọ xát âm hộ khi di chuyển, góp phần dẫn đến phát ban, nổi mẩn đỏ, đau rát, ngứa vùng kín.
- Cơ địa nhạy cảm: Các chị em có làn da nhạy cảm dễ bị viêm da dị ứng khi tiếp xúc với các thành phần hoặc hóa chất có trong băng vệ sinh, bao gồm các chất kết dính, chất tạo mùi, nhựa mủ…
- Sử dụng băng vệ sinh trong thời gian dài: Thời gian sử dụng băng vệ sinh hiệu quả được khuyến cáo là từ 3-4 giờ hoặc khi có cảm giác dịch đã đầy miếng băng dù chưa đủ 4 giờ. Thế nhưng, nhiều chị em lại không thường xuyên thay băng vệ sinh trong ngày, dẫn đến tình trạng ma sát âm hộ kéo dài, gây phát ban, có mùi hôi, vi khuẩn sinh sôi.
- Nhiệt độ và độ ẩm: Đây là một nguyên nhân gây dị ứng băng vệ sinh mà ít ai nghĩ đến. Sự tích tụ độ ẩm và nhiệt có thể gây kích ứng âm hộ và phát ban. Nếu phụ nữ hoạt động nhiều dẫn đến đổ mồ hôi nhiều hoặc mặc quần chất liệu nilon thì sự tích tụ nhiệt và độ ẩm càng cao.
- Nhiễm trùng phát triển: Nếu không vệ sinh vùng kín đúng cách, thay băng vệ sinh thường xuyên, phái yếu cũng dễ bị mẩn ngứa, nhiễm trùng nấm men, viêm âm đạo do vi khuẩn phát triển.
- Mua băng vệ sinh kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái: Đây là một nguyên nhân khá phổ biến gây dị ứng với băng vệ sinh, xảy ra khi các chị em mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, dễ dẫn đến các bệnh phụ khoa.
- Thói quen cất trữ băng vệ sinh sai cách: Các chị em thường cất băng vệ sinh trong toilet - một môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào các miếng băng. Điều này dẫn đến việc băng bị nhiễm khuẩn, gây kích ứng, viêm nhiễm vùng kín.
2. Các thành phần gây kích ứng da có trong băng vệ sinh
Bạn có thể bị dị ứng với bất kỳ thành phần hoặc hóa chất nào có trong băng vệ sinh. Thông thường, các thành phần dễ gây kích ứng bao gồm:
- Polyolefin, kẽm oxit, sáp dầu khoáng (petrolatum) có trong lớp trên cùng của miếng băng (tức là mặt miếng băng tiếp xúc trực tiếp với da).
- Cellulose, foam thấm nước có trong lớp lõi thấm hút của miếng băng.
- Polyolefin có trong lớp dưới của băng vệ sinh.
- Chất kết dính ở mặt dưới của băng vệ sinh giúp dán băng vào quần lót.
- Hương liệu dùng để tạo mùi thơm cho miếng băng vệ sinh.
Triệu chứng bị dị ứng băng vệ sinh
Dù nguyên nhân gây dị ứng băng vệ sinh là gì thì các dấu hiệu dị ứng băng vệ sinh thường giống nhau. Các triệu chứng dị ứng mà chị em thường gặp là:
- Da vùng kín bị kích ứng, khó chịu
- Vùng da bị sưng tấy, ửng đỏ
- Nổi mẩn, phát ban trên da quanh vùng kín hoặc ngay bộ phận sinh dục
- Nổi mụn nước nhỏ li ti
- Có cảm giác nóng rát
- Ngứa dữ dội
- Đau rát vùng kín
- Viêm nhiễm vùng kín
- Đau vùng kín khi đi vệ sinh
- Đau bộ phận sinh dục khi quan hệ
- Tiết dịch âm đạo bất thường (có thể khó nhìn thấy hơn trong kỳ kinh nguyệt)
- Phản ứng dị ứng phát triển khắp cơ thể rất hiếm khi xảy ra, bao gồm khó thở, mệt mỏi, tức ngực.
Bị dị ứng băng vệ sinh phải làm sao?
Nếu bạn đang thắc mắc dị ứng băng vệ sinh phải làm sao, hãy cùng Hello Bacsi tham khảo những cách chữa dị ứng băng vệ sinh sau đây:
- Khi bị dị ứng băng vệ sinh, điều đầu tiên là bạn nên ngừng ngay việc sử dụng loại băng hiện tại, vệ sinh vùng kín bằng nước sạch, không thụt rửa sâu trong âm đạo để tránh nhiễm khuẩn.
- Trong trường hợp nhẹ, bạn chỉ cần bôi thuốc trị mẩn ngứa, viêm nhiễm. Vậy, dị ứng băng vệ sinh bôi thuốc gì? Các loại thuốc mỡ hoặc kem có chứa corticosteroid, thuốc kháng histamine, thuốc bôi kháng sinh tại chỗ khi có nhiễm khuẩn… có thể được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc này mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng đúng cách.
- Trong trường hợp dị ứng băng vệ sinh nặng, chẳng hạn như bị mệt mỏi, khó thở, tức ngực, ngứa, đau rát dữ dội, nổi nhiều mẩn đỏ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Việc điều trị dị ứng băng vệ sinh cần tiến hành càng sớm càng tốt. Nếu bạn điều trị ngay khi các dấu hiệu dị ứng xuất hiện, các triệu chứng có thể biến mất sau một vài ngày. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp lúc, nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra, chẳng hạn như nhiễm trùng nấm men, viêm âm đạo, nhiễm khuẩn lây lan sang các cơ quan khác… Hơn nữa, các triệu chứng càng kéo dài thì thời gian điều trị càng lâu.
Phòng ngừa và lưu ý khi sử dụng băng vệ sinh
Để hạn chế nguy cơ mắc phải tình trạng dị ứng băng vệ sinh, bạn nên tham khảo những biện pháp dưới đây:
- Nếu đã từng bị dị ứng với băng vệ sinh, bạn có thể thử đổi sang loại băng khác hoặc băng vệ sinh của hãng khác xem các triệu chứng dị ứng có còn xảy ra không.
- Ưu tiên sử dụng băng vệ sinh không mùi, băng vệ sinh hoàn toàn làm từ bông tự nhiên, không chứa bất kỳ thuốc nhuộm hay hương liệu nào.
- Chỉ mua băng vệ sinh từ những thương hiệu uy tín, chất lượng.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên sau tối đa mỗi 4 giờ để tránh tích tụ hơi ẩm, hơi nóng và vi khuẩn.
- Mặc đồ lót rộng rãi hơn để giảm ma sát.
- Sử dụng quần lót làm từ cotton, hạn chế nilon.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là vào những ngày đèn đỏ.
- Nếu bạn đã thử thay đổi các loại băng vệ sinh nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, hãy thử chuyển sang dùng cốc nguyệt san, quần lót nguyệt san…
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng dị ứng băng vệ sinh. Tình trạng dị ứng với băng vệ sinh rất dễ nhận biết và có thể điều trị nếu kịp thời phát hiện. Điều cần ghi nhớ là chọn mua băng vệ sinh từ những thương hiệu nổi tiếng, chất lượng và giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là đến ngày hành kinh.
[embed-health-tool-bmr]