Với hơn 64 năm truyền thống phát triển, Học viện Ngoại giao là cơ sở hàng đầu trong cả nước có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước.
Học viện Ngoại giao có trụ sở tại địa chỉ số 69 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Về lịch sử hình thành, năm 1959, Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao. Trường Ngoại giao sáp nhập vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính, trở thành Khoa Quan hệ Quốc tế vào năm 1960.
Năm 1963, Khoa Quan hệ Quốc tế được tách ra để thành lập Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương. Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương năm 1967 được tách thành Trường Đại học Ngoại giao và Trường Đại học Ngoại thương.
Năm 1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 78-HĐBT sáp nhập Trường Đại học Ngoại giao vào Viện Quan hệ Quốc tế. Vào năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 279-CT đổi tên Viện Quan hệ Quốc tế thành Học viện Quan hệ Quốc tế.
Đến năm 2008, Học viện Quan hệ Quốc tế đã được nâng cấp và đổi tên thành Học viện Ngoại giao theo Quyết định số 82/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện, Tiến sĩ Phạm Lan Dung giữ chức Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao; và Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao là Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn và Tiến sĩ Nguyễn Thị Thìn.
Cho đến năm 2023, Học viện đã đào tạo 49 khoá trình độ đại học chính quy, 23 khoá trình độ Thạc sĩ Quan hệ quốc tế, 11 khóa trình độ Thạc sĩ Luật quốc tế, 09 khóa trình độ Thạc sĩ Kinh tế quốc tế, 01 khóa trình độ Thạc sĩ Truyền thông quốc tế, 13 khóa trình độ Tiến sĩ Quan hệ quốc tế và 05 khóa trình độ Tiến sĩ Luật quốc tế.
Học viện đã ký kết chương trình hợp tác đào tạo thạc sĩ với Đại học Lyon III (Pháp); cử nhân với Trường Đại học Victoria Wellington (New Zealand), Đại học Flinders, Đại học Monash và Đại học Macquarie (Úc).
Học viện đang triển khai các chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Sungshin (Hàn Quốc), Đại học Laval (Canada), Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Đại học Gunma (Nhật Bản), Đại học MGIMO (Liên bang Nga), Đại học Fulbright (Việt Nam),...
Ngoài các ngành: Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, và Truyền thông quốc tế, trong 3 năm trở lại đây, Học viện Ngoại giao bắt đầu tuyển sinh và đào tạo thêm một số ngành/chuyên ngành đào tạo bậc đại học, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình mới.
Cụ thể, vào năm 2021, học viện mở ngành Kinh doanh quốc tế; năm 2022, cơ sở đào tạo này bắt đầu tuyển sinh hai ngành: Châu Á - Thái Bình Dương học và Luật thương mại quốc tế.
Những thay đổi trong phương thức tuyển sinh đáng chú ý
Năm 2020, Học viện Ngoại giao xét tuyển vào hệ đại học chính quy theo 3 phương thức tuyển sinh sau:
Phương thức 1: Xét tuyển kết hợp Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ trung học phổ thông).
Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phương thức 3: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo Đề án tuyển sinh riêng của Học viện.
Trong năm 2021, Học viện Ngoại giao bổ sung 2 phương thức xét tuyển hệ đại học chính quy là:
Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ phổ thông);
Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông, Chứng chỉ quốc tế và phỏng vấn: đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông của nước ngoài ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam; hay có thời gian học tập ở nước ngoài và ở Việt Nam, tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông ở Việt Nam.
Năm 2022, trường mở rộng một số tiêu chí trong phương thức xét tuyển như sau:
Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông và phỏng vấn: đối với thí sinh có năng lực/ thành tích đặc biệt trong các lĩnh vực Văn hóa, Nghệ thuật, Khoa học, Thể thao, Báo chí - Truyền thông,… được cấp có thẩm quyền xác nhận (tương đương từ cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương trở lên) và được Hội đồng Tuyển sinh xem xét và quyết định; hoặc đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế trong các lĩnh vực được Hội đồng Tuyển sinh xem xét và quyết định.
Năm 2023 vừa qua, nhà trường duy trì các phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông; Xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Biến động chỉ tiêu tuyển sinh và điểm chuẩn qua các năm
Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Học viện Ngoại giao, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có biểu đồ thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn trường và chỉ tiêu của những ngành cao nhất qua một số năm gần đây để thí sinh tiện theo dõi.
Theo số liệu nêu trong đề án tuyển sinh, có thể thấy, tổng chỉ tiêu hệ đại học chính quy của Học viện Ngoại giao có xu hướng tăng lên trong bốn năm trở lại đây.
Năm 2021, chỉ tiêu của cơ sở đào tạo tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó, cụ thể là năm 2020 có 500 chỉ tiêu và năm 2021 có 1350 chỉ tiêu.
Đến năm 2022, chỉ tiêu toàn trường tiếp tục tăng nhanh, đạt 2010 ; và bổ sung thêm 90 chỉ tiêu trong năm 2023.
Đáng chú ý, hai ngành Quan hệ quốc tế và Truyền thông quốc tế luôn duy trì chỉ tiêu ngang bằng nhau; đồng thời giữ vị trí top đầu trong ba năm gần đây; lần lượt là 350, 450 và 460 sinh viên.
Riêng năm học 2020-2021, tất cả năm ngành của Học viện Ngoại giao (bao gồm: Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Truyền thông quốc tế, Luật quốc tế, Ngôn ngữ Anh) đều có số chỉ tiêu bằng nhau là 100.
Đặc biệt, ngành Kinh doanh quốc tế tuyển sinh và đào tạo lần đầu tiên vào năm 2021 có số chỉ tiêu là 100. Các năm sau tăng dần chỉ tiêu, với 200 và 260 lần lượt vào hai năm 2022 và 2023.
Mặt khác, năm 2022, hai ngành mới mở ra của Học viện là ngành Châu Á - Thái Bình Dương học (chiếm 160 chỉ tiêu), và Luật thương mại quốc tế (chiếm 100 chỉ tiêu). Cả hai ngành này duy trì số lượng chỉ tiêu người học tương tự vào năm 2023.
Về điểm chuẩn các ngành của Học viện Ngoại giao trong 3 năm qua đều ở mức cao, thí sinh phải đạt trên 25 điểm mới có cơ hội đỗ vào ngành có điểm thấp nhất ở Học viện.
Ngôn ngữ Anh là ngành duy nhất của Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn tính nhân đôi môn Ngoại ngữ, lấy điểm chuẩn trên thang 40.
Học viện Ngoại giao sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau cho từng ngành học khác nhau, gồm: tổ hợp A00 (Toán, Vật Lý, Hóa Học); A01 (Toán, Vật Lý; Tiếng Anh); C00 (Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý); D01 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh); D03 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp); D04 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung); D06 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh);...
Dưới đây là biểu đồ so sánh biến động điểm trúng tuyển giữa các ngành học "hot" trong 4 năm trở lại đây của Học viện Ngoại giao, dựa trên phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tổ hợp A01, D01:
Ngành Truyền thông quốc tế luôn là ngành học có mức điểm chuẩn đứng ở vị trí cao nhất Học viện Ngoại giao. Năm 2020, điểm trúng tuyển của ngành này là 27 điểm ở tổ hợp A01 và D01. Từ năm 2021 đến năm 2023, Truyền thông quốc tế có mức điểm chuẩn ở tổ hợp A01 và D01 lần lượt là 27.90, 27.35 và 26.96 điểm.
Riêng năm ngoái, Học viện Ngoại giao công bố điểm chuẩn dao động từ 25.27 đến 28.46. Đặc biệt, mức trúng tuyển cao nhất vẫn là ngành Truyền thông Quốc tế nhưng thuộc về tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).
Kế tiếp là ngành Kinh tế quốc tế giữ điểm chuẩn ở tổ hợp A01 và D01 năm 2020 là 26.70, tăng nhẹ vào năm 2021, sau đó giảm 1.25 điểm trong năm 2022, cuối cùng điểm chuẩn ngành này là 26.76 vào năm 2023.
Cũng tại tổ hợp xét tuyển này, nếu điểm chuẩn của ngành Quan hệ quốc tế năm 2020 là 26.6 (đứng sau Truyền thông quốc tế và Kinh tế quốc tế); thì trong ba năm học sau đó, ngành này vượt lên trước ngành Kinh tế quốc tế, lần lượt giữ mức 27.6, 26.85 và 26.80 điểm.