Nợ chồng nợ khi "đu" theo trào lưu "Mua trước - Trả sau"
“Mua trước - trả sau” là hình thức thanh toán trả góp cho các sản phẩm và dịch vụ, cho phép người dùng sở hữu hàng hóa ngay mà không cần trả toàn bộ số tiền ban đầu. Dịch vụ này bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 2000 tại các quốc gia như Mỹ và Anh. Đến Việt Nam, hình thức này đã được các sàn thương mại điện tử và công ty tài chính tích hợp rộng rãi, từ thực phẩm, quần áo đến đồ điện tử, gia dụng. Chi phí sẽ được chia nhỏ theo từng tháng, thậm chí từng tuần để trả. Đặc biệt, để thu hút khách hàng sử dụng, nhiều ứng dụng mua sắm sẽ không tính lãi nếu khách hàng thanh toán đúng hạn hay đảm bảo khả năng chi trả trong một thời gian ngắn.
Thanh Hằng thường xuyên áp dụng hình thức "mua trước - trả sau" khi săn hàng trên các sàn thương mại điện tử (Ảnh: NVCC)
Thanh Hằng, 24 tuổi, hiện đang là nhân viên văn phòng tại TP. HCM. Vốn có mức thu nhập ổn định, cô thường xuyên mua sắm trên các trang thương mại điện tử. Khi ví trả sau được tích hợp vào một số ứng dụng quen thuộc như Shopee, Lazada, Hằng bị thu hút ngay bởi các tiện ích của hình thức mua sắm này. “Mình thích nhất là có thể chia nhỏ khoản thanh toán mà không cần suy nghĩ nhiều về ngân sách ngay lúc đó. Đặc biệt, mình có thể mua những món đồ yêu thích mà không cần tích lũy quá lâu,” Hằng chia sẻ.
Hằng bắt đầu sử dụng dịch vụ này để mua sắm quần áo, mỹ phẩm và đồ gia dụng nhỏ. Vào những đợt sale lớn như Black Friday hay "ngày đôi", cô nàng đều tranh thủ mua thêm một số thiết bị công nghệ như tai nghe không dây, bàn phím cơ để phục vụ cho công việc và giải trí. Mỗi lần mua sắm, Hằng đều có tâm lý thoải mái nhờ ứng dụng cho phép chia khoản chi trả hàng tháng mà không cần lo đến việc trả ngay lập tức.
Tuy nhiên, sau vài tháng mua sắm "thả ga", cô gái trẻ bắt đầu nhận thấy áp lực tài chính khi tổng số tiền phải trả hàng tháng cứ tăng dần lên. Cô cho biết: “Lúc đầu, mình chỉ nghĩ khoản phải trả mỗi tháng rất nhỏ, nhưng khi nhiều giao dịch dồn lại, số tiền hàng tháng đã lớn hơn so với khả năng chi trả của mình. Nhiều lần mình còn quên hạn thanh toán, dẫn đến việc phải chịu thêm phí phạt.” Thanh Hằng buộc phải vay bạn bè để bù vào khoản thiếu, bởi tiền lương mỗi tháng đã không còn đủ để đáp ứng mọi chi phí phát sinh.
Mặc dù đã hạn chế mua sắm hơn, nhưng hiện tại, Hằng vẫn đang nợ một khoản kha khá từ các giao dịch “mua trước - trả sau” trước kia: “Những khoản phí nho nhỏ mỗi tháng có thể tích lũy thành gánh nặng lớn nếu không biết dừng lại đúng lúc.” Thanh Hằng quyết định sau này sẽ cân nhắc kỹ trước khi sử dụng hình thức này, chỉ mua sắm khi thật sự cần thiết.
Bùi Quốc Anh, 25 tuổi, sống tại Hà Nội, là một nhân viên IT vừa mới đi làm. Cũng như Thanh Hằng, Quốc Anh ban đầu thấy hình thức “mua trước - trả sau” vô cùng tiện lợi và hấp dẫn, nhất là với những người trẻ muốn sở hữu các thiết bị công nghệ mà không cần chờ đợi tích lũy đủ tiền. Quốc Anh chia sẻ: “Với lương tháng đầu tiên, mình rất muốn mua một chiếc laptop mới để phục vụ công việc, nhưng tiền lương chưa đủ. Lúc đó, dịch vụ trả sau của Shopee đúng là cứu cánh.”
Sàn thương mại điện tử Shopee phối hợp với các ngân hàng để triển khai phương thức thanh toán trả góp "mua trước - trả sau" (Ảnh chụp màn hình).
Sau khi trải nghiệm và thấy rằng hình thức trả góp này giúp Quốc Anh mua được món đồ yêu thích mà không quá áp lực, anh chàng bắt đầu dùng cho nhiều sản phẩm khác như phụ kiện máy tính, đồ điện tử. Tuy nhiên, vào những đợt sale lớn, Quốc Anh càng bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm hơn khi thấy các ưu đãi lớn dành cho ví trả sau. “Mình thấy mình không phải trả tiền ngay nên cứ vô tư mua, còn nghĩ rằng mình đang tiết kiệm vì giá giảm sâu.” Nhưng đến khi hết đợt sale, Quốc Anh mới nhận ra bản thân đã "vung tay quá trán".
Với hơn 10 khoản mua sắm khác nhau, tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng vượt quá mức chàng trai 25 tuổi có thể chi trả. Thậm chí, có tháng Quốc Anh đã phải thanh toán chậm và chịu các khoản phí phạt. Anh chàng kể lại: “Ban đầu mình nghĩ chỉ cần đóng tiền đúng hạn thì không lo lãi suất, nhưng đến khi trễ hạn mới biết phí phạt khá cao và ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân. Có lần mình đã phải mượn tiền bạn bè để kịp thanh toán, nếu không thì khoản nợ sẽ càng tăng thêm.”
Quốc Anh thừa nhận rằng bản thân đã quá chủ quan khi nghĩ khoản tiền nhỏ có thể dễ dàng kiểm soát, nhưng khi cộng dồn nhiều giao dịch lại thì tình hình lại vượt ngoài khả năng chi trả. Chàng trai chia sẻ: “Giờ mình phải hạn chế sử dụng ví trả sau, cố gắng thanh toán dần dần cho xong các khoản đã mua trước đó, thậm chí phải từ bỏ các đợt sale để tập trung trả nợ".
Lý giải về sức hút của hình thức "mua trước - trả sau", chuyên gia tài chính Phạm Kim Dung nhận định: “Hình thức này giống như một công cụ đòn bẩy tài chính. Người dùng có lợi nhờ khả năng chi tiêu linh hoạt, còn nhà bán lẻ cũng được lợi khi có thêm nhiều khách hàng. Tuy nhiên, lợi ích này chỉ có khi người tiêu dùng thanh toán đúng hạn và hiểu rõ về các điều khoản. Một số bạn trẻ thường bị cuốn theo các chương trình giảm giá, khuyến mãi mà không quan tâm đến khả năng chi trả lâu dài.”
Biểu đồ khả năng chi trả nợ của người tham gia vay tiêu dùng (Theo Báo cáo Nâng cao sức khỏe tài chính của người Việt - Home Credit & Decision Lab).
Theo số liệu từ Báo cáo Nâng cao sức khỏe tài chính của Người Việt, khoảng 40% trong số những người có khoản vay hoặc nợ thẻ tín dụng trong 12 tháng qua gặp khó khăn trong việc trả nợ. Còn theo khảo sát online về người trẻ sử dụng dịch vụ mua trước trả sau được thực hiện bởi Vietnam Finance, có 90% người biết đến hình thức mua trước - trả sau, 74% số người tham gia đã và đang dùng hình thức này, 35% trong số đó từng quá hạn thanh toán. Nhiều bạn trẻ rơi vào vòng xoáy vay - trả nợ luẩn quẩn, phải mượn thêm để trả nợ cũ, dẫn đến tình hình tài chính ngày càng phức tạp.
Trên thực tế, nhiều công ty tài chính áp dụng mức phí trả chậm lên đến 3 - 5%/ tháng, phí chuyển đổi trả góp từ 2 - 5%/tháng, cùng với đó là các khoản phí quản lý và phí phạt khác, khiến số nợ tăng lên nhanh chóng theo thời gian. Chuyên gia cảnh báo: “Nhiều bạn trẻ chưa có kỹ năng quản lý tài chính và dễ bị lôi cuốn bởi các chương trình ưu đãi. Các bạn thường bỏ qua các điều khoản về lãi suất và phí phạt, khiến khoản nợ nhỏ ban đầu trở thành áp lực tài chính lâu dài.”
Để tránh rơi vào “bẫy” tài chính, chuyên gia khuyên người trẻ cần lập cho bản thân kế hoạch tài chính cá nhân: “Tôi thường hay khuyên các bạn trẻ phải lập kế hoạch về tài chính cá nhân. Các khoản thu của các bạn là bao nhiêu, các khoản chi gồm những gì. Các bạn cần cố gắng cân đối thu chi. Cuối tháng hoặc một thời điểm nào đó, các bạn phải xem xét các khoản thu và chi của mình để thấy khoản nào lớn nhất, và cần phải điều chỉnh ra sao. Việc tạo ra thói quen tài chính và sau đó là kỷ luật tài chính rất quan trọng trong việc quản lý dòng tiền của các bạn sau này.
Các bạn nên đặt câu hỏi liệu món đồ mình định mua có thật sự cần thiết hay không. Nếu không, tốt nhất là tích lũy tiền trước khi mua để tránh tạo thêm áp lực nợ. Khi dùng dịch vụ, cần đọc kỹ các điều khoản về phí phạt, lãi suất để tránh trường hợp không may.”