Vệ sinh tai - việc tưởng chừng đơn giản nhưng không hẳn giản đơn với tất cả chủ nuôi. Vệ sinh tai sao cho đúng cách, sao cho các bạn cún/ mèo chịu hợp tác, sao cho đó là khoảng thời gian vui vẻ của đôi bên chứ không phải hành xác nhau, đều cần có những mẹo nhỏ. Bạn thử làm theo các bước sau nhé:
- Chọn khoảng thời gian vui vẻ trong ngày, thông báo cho Boss bằng giọng vui vẻ. Thời điểm có thể là sau khi cún được tắm táp mát mẻ, sau khi được ra ngoài dạo chơi, mèo sau một giấc ngủ ngon… và… “Đến giờ lau tai rồi!”. Với mèo bạn có thể dùng khăn quấn để cố định và hạn chế bị thương do mèo chống cự.
- Nhỏ nước rửa tai chuyên dụng vào ống tai của thú. Dùng một tay kéo nhẹ vành tai, tay còn lại nhỏ thuốc để nước rửa vào sâu trong ống tai. Lưu ý tránh để đầu chai chạm vào tai vì dễ làm nhiễm khuẩn chai nước rửa tai.
- Massage nhẹ nhàng phần gốc tai 3-4 phút rồi sau đó để thú lắc tai thoải mái. Động tác này giúp nước rửa tai làm mềm các chất bẩn và thú lắc đầu để các chất bẩn bên trong được đẩy ra ngoài.
- Dùng gòn hoặc gạc mềm lau nhẹ nhàng các chất bẩn có thể thấy được ở ống tai.
- Lặp lại với bên còn lại.
- Nhỏ thuốc (tương tự bước 2) khi có chỉ định của bác sĩ. Massage nhẹ nhàng phần gốc tai 2-3 phút.
- Cuối cùng là… bạn còn chờ gì nữa mà không thưởng cho người bạn nhỏ đã hợp tác tốt nào.
Vệ sinh tai bao lâu một lần? Tai là một bộ phận có cơ chế tự làm sạch. Đó là lý do phần lớn các bạn nhỏ có đôi tai khỏe và sạch. Việc rửa tai quá thường xuyên hoặc lạm dụng nước rửa tai có thể làm thú khó chịu và mất cân bằng pH ở niêm mạc tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc nấm phát triển. BSTY sẽ cho bạn lời khuyên về tần suất lau tai dựa trên tình trạng của từng bạn cún/mèo (mức độ ráy tai, viêm tai, nấm tai…).
Một số lưu ý nè:
- Một số cún giống Cocker Spaniels có đặc tính ráy tai nhiều quá mức (do di truyền)
- Cún có ống tai dài, như giống Bassets, có thể có tình trạng ráy tai tích tụ nhiều
- Giống English Bulldog có nhiều nếp gấp trong tai, thường có vấn đề về da và dị ứng nên dễ dẫn đến viêm tai
- Các dòng Poodle thường có lông mọc trong tai, có khi tạo thành búi lông, làm tai dễ bị viêm
- Cún có cơ địa dị ứng hoặc thích bơi lội dễ tích tụ nhiều ráy tai.
Khi nào cần đến bác sĩ? Khi cún/mèo có một trong các dấu hiệu sau:
- Biểu hiện đau khi bị đụng vào tai hoặc không muốn bạn chạm vào.
- Tai có mùi hôi hoặc có dịch chảy ra từ tai
- Thường xuyên lắc đầu, gãi hoặc dụi tai
- Tai sưng
- Cún/mèo cần vệ sinh tai và bạn không thể tự làm tại nhà
Vệ sinh tai cho Boss không quá khó bạn nhỉ? Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, bạn thực hành thành công thì đừng ngại gửi phản hồi cho Petcare nhé. Vì Petcare luôn đồng hành cùng bạn trong việc chăm sóc thú cưng!