Xét nghiệm nước tiểu 24h giúp các bác sĩ xác định được chỉ số như hàm lượng creatinin, đo lượng protein, hormone, khoáng chất và các hợp chất hóa học khác trong nước tiểu. Từ đó chẩn đoán tình trạng sức khỏe. Vậy chỉ định và quy trình xét nghiệm nước tiểu 24h diễn ra như thế nào? Cần lưu ý gì? Bác sĩ CKI Trịnh Hoàng Nguyên, khoa Cấp Cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ qua bài viết sau.
Xét nghiệm nước tiểu 24h là gì?
Xét nghiệm nước tiểu 24h là một xét nghiệm đơn giản trong phòng thí nghiệm để đo lường chỉ số creatinin, protein, hormone,… có trong nước tiểu. Vì lấy mẫu nước tiểu thường quy trong một thời điểm trong ngày có thể không phản ánh đầy đủ các thành phần chất tan trong nước tiểu. Việc thu thập nước tiểu 24h được thực hiện bằng cách thu thập nước tiểu của người trong một bình chứa đặc biệt trong khoảng thời gian 24 giờ. Bình chứa phải được giữ mát cho đến khi nước tiểu được đưa đến phòng thí nghiệm.
Nước tiểu là sản phẩm bài tiết của quá trình lọc và làm sạch máu tại thận, nước tiểu là vô trùng. Thành phần nước tiểu được bao gồm nước và các chất hòa tan, như natri, kali, ure sản sinh ra khi cấu trúc protein bị phá vỡ… Nước tiểu chứa một lượng creatinin nhất định được hình thành từ sự phân hủy cơ bắp. Các chất này xuất hiện trong nước tiểu ở mức cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu của một bệnh hoặc tình trạng sức khỏe nào đó cần lưu ý.

Xét nghiệm nước tiểu 24h để làm gì?
Việc xét nghiệm nước tiểu 24h giúp hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề về bệnh thận, hoặc một số bệnh tự miễn. Dựa trên kết quả phân tích mẫu xét nghiệm, bác sĩ sẽ kiểm tra định lượng creatinin được đào thải qua thận trong các bệnh lý tại thận. Đôi khi, xét nghiệm nước tiểu được thực hiện để đo lượng protein, hormone, khoáng chất và các hợp chất hóa học khác, từ đó giúp xác định các tình trạng bệnh lý có liên quan đến thận và hệ tiết niệu, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu 24h để theo dõi các bệnh: (1)
- Bệnh thận do đái tháo đường: Người bệnh đái tháo đường không kiểm soát sẽ có lượng protein (albumin niệu) cao trong nước tiểu và hậu quả dẫn đến tổn thương thận.
- Cao huyết áp: Huyết áp cao bất thường có thể dẫn đến tổn thương thận kéo dài.
- Viêm thận lupus: Lupus là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công thận và làm tổn thương thận.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên.
- Tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài.
- Hội chứng Alport: Gây ra các vấn đề về thị giác, thính giác và gây sẹo tiến triển ở thận.
- Hội chứng thận hư: Các triệu chứng bao gồm protein trong nước tiểu, lượng protein trong máu thấp, nồng độ cholesterol cao và sưng mô.
- Bệnh thận đa nang: Sự phát triển của nhiều u nang chứa đầy chất lỏng trong thận. Điều này làm cho thận lớn hơn. Theo thời gian, nó chiếm lĩnh và phá hủy các mô thận đang hoạt động.
- Viêm thận kẽ hoặc viêm bể thận: Đây là tình trạng viêm ở các cấu trúc nhỏ trong thận do nhiễm trùng.
- Sàng lọc tiền sản giật khi mang thai: Tiền sản giật là một vấn đề sức khỏe nguy hiểm đôi khi xảy ra trong thai kỳ. Nó gây ra huyết áp cao và có thể dẫn đến suy nội tạng.
- Sỏi thận: Hình thành do mất cân bằng khoáng chất, muối.

Đối tượng nào được chỉ định xét nghiệm nước tiểu 24h
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu 24h đối với những người mắc các bệnh liên quan đến thận và đường tiết niệu như hội chứng thận hư, viêm cầu thận,… cho dù họ đã thực hiện các xét nghiệm chức năng thận khác như xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu nhưng bác sĩ cần thêm thông tin về cách thức hoạt động và tình trạng của thận. Xét nghiệm nước tiểu 24h cũng được áp dụng với các đối tượng nghi mắc các bệnh lý:
- Hội chứng Alport.
- Ung thư bàng quang.
- Sỏi thận.
- Suy tim.
- Huyết áp cao.
- Bệnh đa u tủy.
- Hội chứng thận hư.
- Bệnh thận liên quan đến bệnh tiểu đường, viêm thận lupus và các tình trạng khác.
- Tiền sản giật.
- Tiêu cơ vân.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Kết quả xét nghiệm nước tiểu 24h giúp bác sĩ chẩn đoán hoặc đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh.
Quy trình xét nghiệm nước tiểu 24h
Để xét nghiệm nước tiểu 24h, bạn cần lấy nước tiểu mỗi khi đi vệ sinh trong 24 giờ. Bác sĩ sẽ đưa cho bạn một hoặc nhiều hộp đựng và hướng dẫn cách lấy nước tiểu chính xác. Sau khi thu thập được 24 giờ, bạn sẽ đưa hộp đựng cho nhân viên y tế, mang vào phòng thí nghiệm để kiểm tra.
1. Trước khi xét nghiệm
- Chọn một ngày để lấy nước tiểu mà bạn có thể ở nhà hầu hết thời gian, có thể thoải mái lấy nước tiểu mỗi khi phải đi tiểu hoặc vào thời gian được quy định.
- Nên có tủ lạnh hoặc cách giữ lạnh hộp đựng nước tiểu cả ngày.
- Cần tránh tập thể dục 24 giờ trước khi lấy mẫu và vào ngày lấy mẫu nước tiểu vì tập thể dục cường độ cao có thể thay đổi một số kết quả.
- Tuân thủ hướng dẫn về những gì bạn có thể ăn hoặc uống vào ngày lấy mẫu và ngày hôm trước.
- Nói với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào mình đang dùng, bao gồm các loại thảo mộc, thực phẩm chức năng và vitamin.
- Nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, cần báo ngay cho bác sĩ trước khi làm xét nghiệm.
- Cuối cùng, cần đảm bảo các dụng cụ cần cho xét nghiệm đã được chuẩn bị đủ, bao gồm: Axit clohydric (HCl) 1% thể tích 10ml, bình chứa khi đi tiểu, hộp hoặc ống nghiệm đựng mẫu nước tiểu thu thập trong 24h ( sẽ được cung cấp từ nơi thực hiện xét nghiệm).
2. Trong quá trình xét nghiệm
2.1 Đối với người bệnh tiểu không tự chủ
Việc lấy mẫu nước tiểu 24h được bắt đầu vào sáng sớm, nếu ngày mai đi khám người bệnh cần lấy nước tiểu từ sáng sớm hôm nay. Đối với người bệnh tiểu không tự chủ, trong quá trình xét nghiệm cần thực hiện quy trình như sau:
- Vệ sinh và lau khô bình chứa nước tiểu trước khi sử dụng.
- Cho toàn bộ Axit clohydric (HCl) 1% được nhân viên y tế cung cấp vào bình chứa, lắc nhẹ để axit phủ đều khoảng ⅔ bề mặt bình kể từ đáy bình.
- Lưu ý không lấy nước tiểu đầu tiên sau khi ngủ dậy. Cần vệ sinh bộ phận sinh dục và lấy nước tiểu kể từ lần đi tiểu thứ 2 trong ngày.
- Cho nước tiểu vào hộp đựng hoặc ống nghiệm và bảo quản lạnh (ngăn mát tủ lạnh). Lặp lại thao tác cho các lần lấy nước tiểu tiếp theo trong ngày.
- Đến ngày hôm sau, sau khi ngủ dậy, vệ sinh bộ phận sinh dục và lấy nước tiểu lần đầu tiên của ngày hôm sau cho vào hộp đựng hoặc ống nghiệm trữ nước tiểu. Đây là lần lấy mẫu xét nghiệm cuối cùng trong quy trình.
- Ghi lại thể tích nước tiểu vừa thu được. Khuấy đều và lấy ít nhất 30ml nước tiểu cho vào 1 chiếc hộp đựng sạch, đậy kín và mang đến cơ sở y tế hoặc phòng xét nghiệm, số còn lại có thể bỏ đi.
2.2 Đối với người đặt ống sonde tiểu
Với trường hợp người bệnh đang đặt sonde tiểu (ống thông tiểu), quy trình lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu 24h sẽ diễn ra dưới sự giúp đỡ của người nhà với trình tự như sau:
- Vệ sinh tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Mang găng tay y tế trước khi thực hiện thủ thuật để tránh nhiễm trùng mẫu xét nghiệm.
- Dùng gạc tẩm cồn để sát trùng phần đầu túi đựng nước tiểu trước khi lấy mẫu.
- Tháo túi đựng nước tiểu và cho nước tiểu vào bình chứa, lặp lại thao tác này cho những lần lấy nước tiểu kế tiếp, lưu ý không lấy phần nước tiểu đầu tiên trong ngày.
- Quan sát màu sắc nước tiểu xem có bất thường gì hay không, bảo quản nước tiểu qua các lần lấy trong ngăn mát tủ lạnh.
- Khuấy đều và quan sát màu sắc nước tiểu trong bình đựng, lấy tối thiểu 30ml nước tiểu cho vào hộp đựng, mang đến phòng xét nghiệm.
2.3 Đối với trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, người thân sẽ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu bằng giấy, có keo dính để cố định vị trí. Quy trình lấy mẫu nước tiểu 24h được thực hiện như sau:
- Vệ sinh bộ phận sinh dục trước khi lấy nước tiểu.
- Đặt túi nước tiểu ở bộ phận sinh dục của trẻ để chứa nước tiểu, có thể dùng thêm tã lót phòng trường hợp bé đi nặng.
- Thường xuyên kiểm tra túi nước tiểu và trữ nước tiểu vào bình chứa, mang đi bảo quản. Thay túi mới định kỳ để đảm bảo việc chứa nước tiểu.
3. Sau khi xét nghiệm
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu 24h, cần chú ý ghi đầy đủ thông tin cá nhân lên nhãn dán trên bình chứa trước khi gửi đến cơ sở y tế hoặc phòng xét nghiệm. Chờ đợi kết quả và chẩn đoán từ bác sĩ.
Tuy không có hình thức chăm sóc đặc biệt nào sau khi lấy nước tiểu 24h. Nhưng bác sĩ có thể hướng dẫn khác sau thủ thuật, tùy thuộc vào tình huống cụ thể của người bệnh.
Đảm bảo nước tiểu được bảo quản đúng cách thu thập và mang đến nơi xét nghiệm
Ưu và nhược điểm khi xét nghiệm nước tiểu 24h
1. Ưu điểm
Ưu điểm của xét nghiệm nước tiểu 24h chính là giúp các bác sĩ chẩn đoán và theo dõi các vấn đề thận mà người bệnh đang gặp phải. Phương pháp này cung cấp đầy đủ các thông số về hàm lượng khoáng chất, chất thải, chất độc hại,… lẫn trong nước tiểu và phản ánh được nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau.
2. Nhược điểm
Nhược điểm của xét nghiệm nước tiểu 24h chính là quy trình cồng kềnh, tốn thời gian, bất tiện cho người bệnh. Nhiều phương pháp thay thế đã được thử nghiệm theo thời gian nhưng xét nghiệm nước tiểu 24h vẫn là phương pháp chẩn đoán chính xác, ít xâm lấn, chi phí hợp lý, cung cấp các chỉ số sức khỏe để bác sĩ chẩn đoán đúng các vấn đề về thận ở thời điểm hiện tại.
Một số lưu ý cần biết khi lựa chọn xét nghiệm
Trong quá trình thu thập mẫu nước tiểu cho xét nghiệm nước tiểu 24h, người bệnh cần lưu ý:
- Thu thập toàn bộ lượng nước tiểu thải ra, kể cả lúc đại tiện.
- Không lấy nước tiểu đầu tiên trong ngày bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm.
- Uống đủ nước hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ về lượng nước cần nạp vào trong quá trình lấy mẫu.
- Hướng xử lý nếu quên lấy mẫu 1 hoặc vài lần trong ngày.
- Tránh căng thẳng và tập thể dục cường độ cao.
- Bảo quản mẫu nước nước tiểu ở nhiệt độ ngăn mát, gửi mẫu kịp thời theo đúng lịch hẹn với bác sĩ.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm nước tiểu 24h
Kết quả xét nghiệm nước tiểu 24h có ý nghĩa cung cấp cho bác sĩ những thông số cần thiết để chẩn đoán hoặc đánh giá tình trạng hoạt động của thận, bao gồm: tổng lượng protein hoặc tỷ lệ protein/creatinin. So sánh với phạm vi tham chiếu, có thể cho biết phạm vi kết quả như thế nào được coi là bình thường hoặc trung bình.
Đối với hầu hết người trưởng thành, mức protein dưới 150 miligam mỗi ngày và tỷ lệ protein/creatinin dưới 0,2 được coi là bình thường. Con số cao hơn mức đó (protein niệu) có thể có nghĩa là thận không hoạt động như bình thường. Nếu phát hiện bất thường trong chỉ số xét nghiệm nước tiểu 24h, bác sĩ thảo luận các bước tiếp theo với người bệnh để có hướng dẫn điều trị phù hợp. Có thể cần xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán hoặc xác định phương pháp điều trị vấn đề mà người bệnh đang gặp phải.

Một số câu hỏi liên quan
1. Xét nghiệm nước tiểu 24h có chính xác không?
Xét nghiệm nước tiểu 24h có chính xác không phụ thuộc vào một số yếu tố như việc người bệnh có thu thập đầy đủ nước tiểu trong tổng số lần đi tiểu trong ngày hay không. Có đảm bảo điều kiện bảo quản và có tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ về việc thu thập mẫu thử không.
2. Khi nào cần xét nghiệm nước tiểu 24h?
Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu 24h khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào của thận hư, viêm cầu thận,… bất kỳ bệnh liên quan đến đường tiết niệu nào.
3. Xét nghiệm nước tiểu 24h bao lâu có kết quả?
Xét nghiệm nước tiểu 24h có thể mất vài ngày để có kết quả. Một số người sẽ nhận được kết quả ngay trong ngày.
Xét nghiệm nước tiểu có thể được xem là tiêu chuẩn vàng để bác sĩ chẩn đoán và đánh giá một số bệnh liên quan đến thận và sức khỏe hệ tiết niệu. Quy trình thực hiện cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo thu được kết quả xét nghiệm chuẩn xác nhất.
Trung tâm Xét nghiệm, BVĐK Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ bác sĩ và cơ sở vật chất hiện đại được nhiều người tin tưởng lựa chọn là địa chỉ xét nghiệm nước tiểu 24h đáng tin cậy. Kết quả xét nghiệm sẽ được trả về đúng lịch hẹn đính kèm kết quả chẩn đoán sức khỏe thận, tiết niệu.
Hy vọng những thông tin trên giúp bạn có cái nhìn tổng thể về xét nghiệm nước tiểu 24h, hiểu được quy trình và đối tượng cần thực hiện, nắm được các lưu ý trong quá trình thu thập mẫu xét nghiệm.