“U Minh xứ sở lạ lùng
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh”
Hay……
“Chèo ghe sợ xấu ăn chưng
Xuống bưng sợ đĩa, lên rừng sợ ma”
Nhắc đến U Minh người ta không thể nào quên được những câu chuyện tiếu lâm, hài hước của bác Ba Phi, hay những cánh rừng tràm bạt ngạt với vô vàn hủ mật ong lấp lánh. Lý giải về tên gọi U Minh, tác giả quyển Kỷ yếu hội thảo khoa học về U Minh Thượng, năm 1997, do Sở Văn Hoá Thông Tin xuất bản, cho rằng: Ngay từ buổi đầu, người dân phương Nam đi tìm đường mở cõi đến vùng đất mới này thấy quang cảnh âm u vắng lặng nên gọi là U Minh. U Minh là cụm từ chỉ chung về miền đất ấy chứ không phải hàm ý đặt tên rừng. Chỉ khoảng 45 năm trở lại đây, người dân nước ta mới biết đến tên rừng U Minh.
Nhà nghiên cứu Văn hóa Nam Bộ-Trương Thanh Hùng cho biết: "Vùng đất U Minh xưa ở phía Nam sông Cái Lớn kéo dài tới sông Trẹm gọi là U Minh Thượng. Từ sông Trẹm tới cuối Cà Mau gọi là U Minh Hạ. Ở đây muỗi và thú rừng rất nhiều. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, người ta có đặt ra nhiều câu vè, ca dao chẳng hạn như: Rừng U Minh có tiếng muỗi nhiều, người chiến sỹ lắng nghe nó kêu"
Rừng U Minh chia thành 2 khu vực rõ rệt: U Minh Thượng và U Minh Hạ, được ngăn cách bởi dòng sông Trẹm. Vốn nổi tiếng là mảnh đất có hệ động thực vật phong phú, rừng U Minh Hạ là vùng nguyên liệu dồi dào đưa nghề gác kèo ong phát triển hưng thịnh. Thuở xưa thấy ong làm tổ trong tự nhiên dựa theo nhiều nhánh cây ngang, dọc, các bậc tiền nhân về đất này sinh sống đã bắt đầu gác kèo để ong về làm tổ.
Chẳng ai nhớ nghề này có từ khi nào, người dân trong vùng chỉ nhớ nó đã ra đời từ rất lâu và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghề này cũng lắm hiểm nguy, phải yêu nghề và gan dạ thì mới làm được. Trong quá trình khai thác mật (ăn ong), việc bị ong đánh là chuyện thường xảy ra. Khi bị ong đánh phải chạy ngược hướng gió, mỗi nhóm ăn ong thường có từ 3 người trở lên để hỗ trợ nhau chứ không thể đi một mình. Năm 2020, nghề gác kèo ong đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đại diện cho hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Đây là niềm tự hào rất lớn của bà con địa phương, anh Lâm Hữu Tặng, bồi hồi nhớ lại: "Mỗi khi nhắc đến U Minh thì Tặng nghĩ ngay đến rừng tràm- một nơi từng là chiến trường xưa trong quá trình ông cha đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt là hình ảnh của rừng U Minh đã đi vào thơ ca,Tràm xanh nước đỏ dòng kênh, rừng xanh trong tiếng hát U Minh. Đó là 2 câu trong bài Minh Hải dịu dàng tươi sắc nắng của cố nhạc sỹ Phan Nhân, nghe và thấy rất tự hào về quê hương mình"
Rời U Minh Hạ để đến với U Minh Thượng, ngồi trên chiếc tắc ráng băng qua dòng sông Trẹm, chúng tôi được nghe người xưa kể về thời kỳ kháng chiến của ông cha ta, rừng U Minh đã nuôi dưỡng, chở che cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng. Những cơ sở sản xuất vũ khí, những lán trại quân y vẫn còn nằm rải rác dưới tán rừng bạt ngàn này.
Dù hứng chịu mưa bom, bão đạn nhưng chính những thảm động thực vật nơi đây đã cùng bộ đội ta vượt qua thời kỳ gian khó. Sau chiến tranh, rừng lại hồi sinh, xanh tươi trở lại. Len lỏi vào từng con rạch nhỏ, dưới mặt nước lại nổi lên màu một đỏ đặc trưng.
Chúng được tạo nên bởi mỗi mùa lá tràm rụng, tích tụ lại thành tầng, thành lớp dưới lòng sông, thay phiên nhau phôi ra thứ diệp lục làm dòng nước đỏ au một cách tự nhiên, không lẫn vào đâu được. Ngồi trên tắc ráng, ngắm nhìn chim trời bay lượn chao nghiêng như chón đào du khách đến tham quan cánh rừng.
Nhà nghiên cứu Văn hóa Trương Thanh Hùng kể: vùng đất này ngoài cá sấu, hổ dữ ra còn có “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lền tựa bánh canh”, là nổi buồn của nhữn nàng dâu xa xứ: "Cái vùng đất U Minh xưa, dĩ nhiên có Cạnh Đền nằm ở trong U Minh, người ta nói là Xứ nào vui bằng xứ Cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lền tựa bánh canh, chỗ đó rất nhiều đĩa, rất nhiều muỗi. Từ khoảng trước những năm 1945, những người ở trong vùng đó, có cả mẹ chú, họ nói thế này: Buổi chiều ăn cơm phải giăng mùng để muỗi cắn chịu không nỗi hoặc có người nói như thế này, vào chiều tối họ đốt cây đuốc họ quơ là xác muỗi quét cả cần xé, nhưng người ta nói cường điệu vậy thôi để biết là muỗi nhiều như vậy"
Động vật ở rừng U Minh Thượng xưa kia rất phong phú, có cả cọp, sấu, heo rừng, trăn, rắn, rùa và nhiều loại cá. Nhờ vậy mà người dân có công ăn việc làm quanh năm, nổi tiếng là nghề thầy đìa, nghề bắt cá thòi lòi hay còn gọi là cá leo cây….Anh Nguyễn Công Đoàn nhớ lại: "Người ta gọi cá leo cây bởi vì tới mùa nước lớn, nước ngập bãi bồi, chỗ nó ở là nó phóng lên đọt mắm, lá mắm nó ở. Chỉ cần thấy người đến gần thì nó nhanh chóng nhảy xuống nước liền, lặn mất tăm. Hồi xưa mình còn nhỏ là lấy ná thun mình bắn, rồi lấy lá dừa nước cầm xà di mình đặt"
Người sành ăn thường chọn cách nướng cá với muối ớt hoặc nước mắm ngon. Có người lại thích phết lên da cá một ít mỡ nước hay dầu ăn trước khi nướng. Một điều lạ 5 nữa là thịt loài cá này khi để nguội không tanh như một số cá khác. Vậy nên khi tham gia các tour du lịch về rừng U Minh, du khách được tha hồ trải nghiệm, thưởng thức nhiều món ăn ngon từ đặc sản “cá leo cây”.
Từ một vùng đất hoang vu, xa xôi, rừng rậm bậc nhất đồng bằng sống Cửu Long, giao thông đi lại khó khăn, cách trở nhưng U Minh Thượng ngày nay đã khoác lên mình chiếc áo mới với nhiều thành tựu nổi bật, không còn cảnh người dân phải lội bùn lầy mỗi khi mùa mưa đến.
Đời sống bà con địa phương cải thiện so với trước, đường sá được bê tông, thảm nhựa khang trang, những chiếc cầu khỉ năm nào nay đã trở thành cầu đúc rộng rãi. Cùng với giao thông đường bộ, hầu hết các tuyến kênh, rạch trên địa bàn được nạo vét, đào mới bằng cơ giới, hệ thống đê bao, cống thoát nước đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, cho nghề trồng lúa và nuôi tôm cá thêm phát triển.