Chó bị sốt là một triệu chứng bất thường, điều này cho thấy cơ thể của chúng đang phản ứng với một số vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng, viêm nhiễm hoặc bệnh lý khởi phát. Trong một số trường hợp việc hạ sốt cho chó là cần thiết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách hạ sốt cho chó tại nhà an toàn giúp bạn chăm sóc thú cưng tốt hơn.
Biểu hiện khi chó bị sốt
Trước khi thực hiện các biện pháp hạ sốt cho chó, bạn cần nhận biết được các dấu hiệu cho thấy chó của bạn đang bị sốt. Dưới đây là những dấu hiệu thường gặp:
- Nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường: Nhiệt độ cơ thể bình thường của chó nằm trong khoảng từ 37.5°C - 39.2°C. Nếu nhiệt độ cơ thể của chó vượt quá mức này, chó có khả năng đang bị sốt.
- Thở nhanh và nông: Chó bị sốt thường thở nhanh hơn bình thường, đồng thời nhịp thở cũng trở nên nông và dồn dập.
- Mệt mỏi và lờ đờ: Khi bị sốt, chó thường không muốn chơi đùa, ít di chuyển và nằm nhiều hơn.
- Chán ăn: Chó bị sốt thường không có hứng thú với thức ăn, bỏ bữa hoặc ăn rất ít.
- Rung mình hoặc run rẩy: Cơ thể chó có hiện tượng run rẩy do nhiệt độ tăng cao.
- Mắt đỏ hoặc sưng húp: Sốt thường đi kèm với các dấu hiệu sưng tấy và đỏ ở mắt chó.
Khi nhận thấy những dấu hiệu trên, bạn nên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của chó để chắc chắn chúng đang bị sốt trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp hạ sốt nào.
Bị sốt khiến cơ thể của chó mất năng lượng và suy giảm hệ miễn dịch, có thể kèm theo tình trạng bất thường như nôn mửa, sổ mũi, tiêu chảy, co giật,…. Đây là những dấu hiệu nguy hiểm cho thấy chó đã sốt rất cao và cần được can thiệp y tế.

Nguyên nhân khiến chó bị sốt
Chó bị sốt do nhiều nguyên nhân, bao gồm nguyên nhân xuất phát từ bên trong cơ thể của chúng hoặc do các tác nhân bên ngoài gây ra. Một số nguyên nhân phổ biến khiến chó bị sốt có thể kể đến như:
- Nhiễm trùng: Các nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm, ví dụ như nhiễm trùng tai, hô hấp, đường tiêu hóa hoặc da… là những nguyên nhân phổ biến khiến chó bị sốt.
- Vết thương hở hoặc viêm nhiễm: Các vết thương ngoài da nếu không được vệ sinh sạch sẽ có thể gây viêm nhiễm và làm chó bị sốt.
- Tiêm phòng hoặc dị ứng: Một số chó có thể phản ứng với các thành phần trong vaccine hoặc dị ứng với môi trường xung quanh dẫn đến tình trạng sốt.
- Tiếp xúc với chất độc: Chó có thể bị sốt nếu tiếp xúc với chất độc, ăn phải bả hoặc các chất độc hại.
- Căng thẳng hoặc lo âu: Tình trạng căng thẳng cũng có khả năng làm tăng nhiệt độ cơ thể của chó.
- Bệnh lý nghiêm trọng: Các bệnh lý như viêm phổi, viêm gan hoặc bệnh carré… đều có thể gây sốt cao ở chó.
Nếu chó sốt nhẹ và vẫn tỉnh táo, bạn có thể thử một số cách hạ sốt cho chó tại nhà. Tuy nhiên, nếu chó sốt cao hoặc có kèm theo các biểu hiện nghiêm trọng hơn, tốt nhất nên đưa chó đến bác sĩ thú y để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sốt để có phương án điều trị kịp thời.
☞ Xem thêm: Bệnh carré ở chó, cách nhận biết và phòng ngừa hiệu quả

Cách hạ sốt cho chó tại nhà an toàn
Khi chó bị sốt bạn cần đặt chúng ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng hoặc môi trường quá nóng, Dưới đây là một số cách để bạn có thể áp dụng sau đó để tự giúp chó của mình hạ nhiệt khi bị sốt:
Không tự ý dùng thuốc hạ sốt
Bạn không nên tự ý dùng thuốc hạ sốt, và đặc biệt lưu ý không được dùng thuốc hạ sốt của người cho chó, các loại thuốc như Paracetamol, Ibuprofen, acetaminophen hoặc aspirin của người sẽ gây ngộ độc nặng cho chó của bạn.
Dùng nước ấm để hạ sốt cho chó
Dùng khăn mềm nhúng nước ấm để lau nhẹ nhàng vùng đầu, nách, bụng và 4 đệm chân của chó. Việc này sẽ giúp làm ấm cơ thể, tăng lưu thông tuần hoàn máu, và hạ sốt hiệu quả. Không sử dụng nước lạnh hoặc nóng trực tiếp vì điều này có thể làm mèo sốc nhiệt hoặc bị bỏng.
Cung cấp đủ nước uống cho chó
Chó bị sốt dễ mất nước nên cần đảm bảo chúng được cung cấp đủ nước để hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể của chó. Bạn có thể sử dụng ống tiêm (không có kim) để bơm nước vào miệng chó một cách nhẹ nhàng nếu chó không thể tự uống. Có thể cho chó uống nước điện giải loại dành riêng cho chó mèo (mua tại các cửa hàng thú y) để bù khoáng.
Hạn chế chó vận động
Khi chó bị sốt, chúng cần được nghỉ ngơi để cơ thể tập trung vào việc phục hồi. Hạn chế hoạt động của chó và giữ chúng trong khu vực yên tĩnh, tránh xa các động vật khác hoặc các vận động gây mất sức.
Cung cấp dinh dưỡng
Chó bị sốt thường không có cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, cung cấp dinh dưỡng nhẹ nhàng và giàu dưỡng chất sẽ giúp chó lấy lại sức. Bạn có thể cho chó ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo gà, cháo thịt hoặc thức ăn ướt, gel dinh dưỡng dành cho chó.
Theo dõi các triệu chứng khác
Trong quá trình chăm sóc chó bị sốt, bạn gãy theo dõi các dấu hiệu khác kèm theo để có thể đưa chó đến bác sĩ thú y kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm.
Khi nào nên đưa chó đến bác sĩ thú y?
Nếu chó có các dấu hiệu dưới đây, bạn nên đưa chó đến bác sĩ thú y càng sớm càng tốt:
- Sốt cao trên 40°C: Khi nhiệt độ cơ thể chó vượt quá 40°C, tình trạng sốt trở nên nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của chó.
- Thời gian sốt kéo dài hơn 24 giờ: Nếu chó sốt liên tục và không có dấu hiệu hạ nhiệt trong vòng 24 giờ, điều này cho thấy cơn sốt rất nghiêm trọng.
- Dấu hiệu bất thường: Nếu chó có các dấu hiệu bất thường như nôn mửa, tiêu chảy, co giật, hoặc mất thăng bằng, điều này có thể là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng cần được hỗ trợ y tế và kiểm tra, chẩn đoán xác định nguyên nhân.
☞ Xem thêm: Chó nôn ra bọt trắng? Nguyên nhân và cách xử lý nhanh chóng

Việc biết cách hạ sốt cho chó tại nhà sẽ giúp bạn chăm sóc thú cưng tốt hơn khi chúng gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc hạ sốt chỉ là giải pháp tạm thời, trong trường hợp tình trạng sốt kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hãy đưa chó đến bác sĩ thú y để được kiểm tra và điều trị kịp thời là biện pháp an toàn và tốt nhất.
Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn có kiến thức trong việc xử lý khi chó của mình bị sốt. Nếu như chó của bạn có dấu hiệu sốt cao, sốt kéo dài hoặc kèm theo các dấu hiệu nghiêm trọng, hãy liên hệ ngay với Tropicpet để được đội ngũ bác sĩ thú y chuyên nghiệp, tận tâm tư vấn, hỗ trợ nhanh chóng.
Tropicpet có hệ thống Bệnh viện thú y trải khắp Hà Nội, đội ngũ nhân viên trực hotline 24/24, mở cửa xuyên trưa tất cả các ngày trong tuần để luôn sẵn sàng phục vụ và hỗ trợ y tế cho chó của bạn.