Đâu là sự khác biệt giữa “college” và “university”? Ngay tại nước Mỹ, hai thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế nhau để chỉ các tổ chức giáo dục đại học, gây nhầm lẫn cho sinh viên cũng như phụ huynh.
Việc nhầm lẫn giữa các thuật ngữ “college” và “university” thậm chí có thể khiến phụ huynh hoặc các bạn bỏ qua các tổ chức có nhãn “college” và thay vào đó chỉ xem xét các trường có nhãn “university”.
Đối với các vị phụ huynh và các em quan tâm tới việc Du học thì việc hiểu được sự khác biệt này là điều cần thiết.

Cùng Du học New Ocean phân tích để xem bản chất của hai khái niệm “college” và “university” là như thế nào nhé!
1. University là gì?
Các trường University thường là các tổ chức giáo dục Công lập hoặc Tư thục cung cấp các khóa học Đại học hoặc Sau đại học. Trường University thường là các trường có môi trường sống động, phong phú, có khuôn viên lớn và nhiều chương trình học đa dạng.
Các trường University Công lập thường tuyển sinh hàng chục ngàn sinh viên hàng năm, trong khi các trường Tư thục thường nhỏ hơn và chọn lọc hơn. Ví dụ, Đại học Texas A&M - một trường Công lập lớn tuyên sinh hơn 70,000 sinh viên, trong khi Đại học Priceton - một trường Ivy League được đánh giá cao chỉ phục vụ 8,000 sinh viên.
Các trường University nói chung thường dành nhiều tâm huyết hơn cho nghiên cứu, với một loạt các cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm ấn tượng để hỗ trợ cho nỗ lực này. Ở đây, sinh viên được hưởng lợi từ các lớp học có một số giảng viên trình độ cao nhất, thậm chí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực tương ứng mà họ nghiên cứu.
Tuy nhiên, ở các trường University, các giảng viên có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào nỗ lực nghiên cứu hơn là giảng dạy.
Trong khi một số sinh viên thích cộng đồng lớn, nhộn nhịp, một số khác sẽ cảm thấy lạc lõng, đặc biệt là trong các lớp học giảng đường đông sinh viên trong một trường University.
2. College là gì?
Các trường College thường có quy mô nhỏ hơn University. Trường College thường đào tạo một số ngành nghề thế mạnh có tính tập trung và chọn lọc hơn.
Các trường College có thể thuộc 1 trong 3 nhóm trường có đặc điểm khác nhau dưới đây:
- College trực thuộc University
- Community college (thường dịch là “Cao đẳng cộng đồng”)
- Liberal arts college (tạm dịch là “Đại học khai phóng” theo nghĩa từ “Liberal” hay “Tự do” trong Tiếng Việt)
Ba nhóm trường College này có đặc điểm, mục tiêu khác nhau. Chúng ta cùng phân tích xem sự khác nhau giữa chúng để hiểu chính xác khái niệm “college”.
a, College trực thuộc University
Các trường Đại học đào tạo nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau vì vậy họ thường chia các lĩnh vực đào tạo thành nhiều trường nhỏ hơn trực thuộc và gọi các trường đó là “college” hoặc “school”. Ví dụ, thủ tướng nước Anh hiện tại là Rishi Sunak đã lấy bằng Cử nhân tại trường Lincoln College, Oxford trực thuộc Oxford University.
Sinh viên khi đăng ký học vào trường đại học loại này phải đăng ký cụ thể một chương trình học chuyên ngành thuộc một “College” hoặc “School” trong trường đại học đó.
Như vậy, nếu bạn đăng ký một khóa học cụ thể trong một trường College hay School thuộc một trường University thì có nghĩa rằng bạn đang học ở trường University đó. Bằng cấp bạn nhận được có thể là Cử nhân hoặc Sau đại học với thời gian học thường là 4 năm cho Bằng cử nhân và 1 đến 2 năm nữa cho bằng Thạc sĩ. Ở đây, khái niệm “college” chỉ có ý nghĩa là một phần của “university” ở khía cạnh phân biệt nhóm ngành học.
b, Community college
“Community college” (thường dịch là “Cao đẳng cộng đồng” theo nghĩa tiếng Việt), là tổ chức giáo dục cấp bằng “Associates degree” với 2 năm đào tạo.
Trường “Community college” thường là các trường Công lập cung cấp bằng “Associates degree” hoặc các chứng chỉ Phổ thông hay Chứng chỉ kỹ thuật.
Có thể hình dung “Community college” giống như mô hình “Trung tâm giáo dục thường xuyên” ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở đây bạn đừng đánh đồng chất lượng đào tạo ở 2 tổ chức này.
Trường Community college thường được sinh viên lựa chọn để tối ưu hóa chi phí học tập. Học phí tại các trường Community college được hỗ trợ từ ngân sách chính phủ nên thấp hơn đáng kể so với trường đại học thông thường.
Sinh viên có thể học 2 năm ở Community college và sau đó chuyển tiếp lên đại học hệ 4 năm; ở trường đại học chuyển lên đó thì chỉ cần học thêm 2 năm để lấy bằng Cử nhân. Như vậy, với lộ trình học này sinh viên sẽ tiết kiệm chi phí so với học 4 năm học trực tiếp tại trường Đại học.
c, Liberal arts college
“Liberal arts college” cũng là trường Đại học đào tạo cấp bằng Cử nhân hoặc Sau đại học. Các trường “Liberal arts college” cũng bao gồm các trường Công lập hoặc Tư thục.
Đặc điểm nổi bật ở các trường này là nhấn mạnh vào chất lượng giảng dạy, tương tác với sinh viên. Các trường thuộc nhóm này vẫn dùng nhãn “college” trong tên trường có thể vì ý này. Ở đây, giảng viên ít tập trung vào nghiên cứu mà hướng chủ đạo vào việc giảng dạy.
Với sĩ số lớp nhỏ, tỉ lệ sinh viên trên giảng viên thấp hơn nhiều so với các trường University. Học ở đây, sinh viên sẽ có cảm giác được quan tâm, chăm sóc và cảm thấy ấm cúng, hòa đồng hơn.
3. Lựa chọn trường University hay College?
Như trên phân tích, trường University hay College để có ưu nhược điểm riêng. Việc chọn trường học nào phù hợp đều dựa trên sở thích hay nhu cầu của mỗi bạn sinh viên. Các tiêu chí chính ở đây bao gồm:
- Chi phí học tập
- Trường Công lập hay Tư thục
- Quy mô lớn hay nhỏ
- Yêu cầu đầu vào
- Môi trường nghiên cứu trừu tượng hay giảng dạy trực quan
- Môi trường sống, văn hóa sinh viên
- Hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ việc làm
Thông thường, Du học New Ocean thấy rằng tỉ lệ lớn hơn Du học sinh phù hợp với các trường “Liberal arts college” hoặc các trường “University tư thục”. Bởi, ngoài các đặc điểm kể trên các trường này thường khuyến khích tuyển sinh; nhiều chương trình ưu đãi học bổng, yêu cầu đầu vào không quá cao, họ quan tâm tới sinh viên, chất lượng giảng dạy và hỗ trợ sinh viên nhiều hơn.
Kết luận, như vậy khái niệm “college” không đồng nghĩa với khái niệm “cao đẳng” trong Tiếng việt. Ở Việt Nam, trường Cao đẳng thì chắc chắn không phải là trường Đại học. Trường Cao đẳng ở Việt nam thường đào tạo bằng Cao đẳng hệ 3 năm. Muốn học lấy bằng Cử nhân hoặc Sau đại học ở Việt nam thì nhất thiết phải học một trường Đại học hệ 4 năm hoặc lâu hơn.
Trên đây là nội dung về hai khái niệm “university” và “college”. Hy vọng, quý vị phụ huynh và các em có cái nhìn tổng quan và rõ ràng hơn giữa hai loại hình trường này.