Thu mua sữa nguyên liệu không đạt chuẩn?
Theo tìm hiểu, Nhà máy chế biến sữa và trang trại chăn nuôi bò sữa của Dalatmilk nằm ở xã Tura, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng có diện tích 548ha. Năm 2009, sản phẩm sữa đầu tiên của Dalatmilk ra đời với mục tiêu sản xuất các sản phẩm sữa chất lượng cao hoàn toàn từ sữa tươi cao nguyên.
Được biết, hiện Dalatmilk đang thu mua khoảng 25% sữa tươi nguyên liệu của các hộ nông dân ở Lâm Đồng, tập trung tại các huyện Bảo Lộc, Đơn Dương, Đức Trọng. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào để Dalatmilk sản xuất sản phẩm sữa tươi và có thể cung cấp cho các đơn vị khác nguyên liệu sản xuất sữa tươi đang bán rộng rãi trên thị trường.
Theo đó, một số tiêu chuẩn như tỷ lệ khô không béo, tổng tạp trùng, tế bào thân, chất trộn thêm vào…nếu không đạt tiêu chuẩn thay vì việc kiên quyết không thu mua thì DalatMilk lại trừ tiền vào giá sữa cơ sở. Điều này không đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật đồng thời có thể tạo tiền lệ xấu khi các hộ chăn nuôi không đảm bảo chất lượng sữa nhưng vẫn được thu mua.
Theo Thông tư 29 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy chuẩn Việt Nam 01- 186:2017/BNNPTNT thì “chất béo” phải lớn hơn hoặc bằng 3,2%; “khô không béo” lớn hơn hoặc bằng 8,3% (theo Quy chuẩn thì Hàm lượng “chất khô” là lớn hơn hoặc bằng 11,5%. Trong đó, Hàm lượng chất khô = chất béo + khô không béo); số lượng tế bào “soma” trong một ml sữa nhỏ hơn hoặc bằng 1.000.000 tế bào/ml.
Có thể thấy, Dalatmilk đã đưa ra mức “tiêu chuẩn chất lượng” thấp để thu mua sữa nguyên liệu là “kẽ hở” rất lớn, thấp hơn rất nhiều so với luật định để có thể thu mua sữa không đạt chuẩn với giá rẻ.
Sữa có kém chất lượng?
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sữa, ở đây chính là nguyên nhân xuất hiện vấn nạn sữa tươi nguyên liệu các loại 1-2-3. Loại 1 là đúng với yêu cầu mà Dalatmilk đặt ra, loại 2-3 là thấp hơn yêu cầu của Dalatmilk lẫn Quy chuẩn Việt Nam 01-186:2017 nhưng vẫn được thu mua với giá thấp hơn nhiều so với sữa đạt chuẩn.
Dalatmilk đã thu mua sữa tươi nguyên liệu dưới chuẩn QCVN 01 - 186:2017, có lẽ không đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Đơn cử như tỷ lệ tế bào Soma/ml sữa. Theo quy định chính Dalatmilk đưa ra là nhỏ hơn hoặc bằng 700.000tb/ml sữa và Quy chuẩn Việt Nam 01 -186:2017 là 1.000.000 tb/ml sữa thì Dalatmilk lại vẫn thu mua khi tỷ lệ Soma ở mức nhỏ hơn 1.500.000 tb/ml sữa. Nghĩa là, dù ở mức 1.499.000tb/ml sữa Dalatmilk vẫn thu mua.
Như vậy có thể thấy, Dalatmilk đã thu mua sữa tươi nguyên liệu dưới chuẩn QCVN 01 - 186:2017, khó có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng và tuân thủ đúng pháp luật.
Đặc biệt, với việc thu mua số lượng tế bào soma trong sữa tươi nguyên liệu vượt quy định là 500.000 tế bào/ml sữa có thể sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Số lượng tế bào soma trong sữa đã được hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam áp dụng để đánh giá chất lượng của sữa tươi nguyên liệu. Nếu số lượng tế bào soma trong sữa tăng có nghĩa là cơ thể của con bò cho sữa đang gặp vấn đề lớn về sức khỏe, phải huy động tế bào bạch cầu để bảo vệ cơ thể, chống lại bệnh tật...
Với việc Dalatmilk “nới rộng” các tiêu chuẩn chất lượng đã dấy lên những nghi vấn doanh nghiệp có tự cho mình quyền thu mua sữa nguyên liệu không bảo đảm đạt chuẩn theo quy định của pháp luật?
Dư luận đang đặt nghi vấn liệu có ai, hay thế lực nào đứng sau, bao che, tiếp tay, cung cấp công nghệ cho Dalatmilk trong quá trình sản xuất để thu mua sữa nguyên liệu? Việc thu mua sữa tươi nguyên liệu dưới chuẩn quy định, bạn đọc và người tiêu dùng mong muốn Dalatmilk sẽ sớm có câu trả lời về chất lượng sữa?