Nằm ở phía Đông châu Á, từ lâu Nhật Bản đã luôn nổi danh khắp thế giới về vô số nét đẹp văn hóa, với phong cảnh hữu tình, cũng như có nhiều kiến trúc cổ xưa chứa đựng bề dày lịch sử, và đặc biệt là ẩm thực đặc sắc được rất nhiều du khách yêu thích.
Hiện tại theo Chang được biết, có rất nhiều công ty du lịch uy tín tổ chức tour du lịch dài ngày sang Nhật, nhưng giá tour cũng không rẻ, và thường bị bó buộc về thời gian cũng như lịch trình đi lại, không khám phá hết được những điểm thú vị trên đường đi.
Vì thế bài viết ngày hôm nay sẽ dành cho ai đam mê tự do khám phá, thích tự mày mò tìm tòi rồi lên kế hoạch tự đi lang thang khắp nơi giống mình. <3
Đây sẽ là một bài khá dài và tỉ mỉ, và Chang hi vọng bạn sẽ tìm được những thông tin bổ ích cho chuyến du lịch Nhật sắp tới nha.
Nào giờ thì bắt đầu thôi!
Trọn bộ bí kíp kinh nghiệm du lịch Nhật Bản tự túc 10 ngày ở đây cho ai cần:
- Kinh nghiệm du lịch tự túc Kyoto - Cố đô của Nhật Bản!
- Hai ngày khám phá du hí ở Osaka và Nara
-
Những điều thú vị về đất nước Nhật Bản mà bạn nên biết!
1. Nên ghé thăm Nhật Bản vào thời gian nào?
Thật lòng, trong mắt mình Nhật Bản bốn mùa mỗi mùa một vẻ, nên tới lúc nào cũng đều có cái hay riêng để khám phá. Quan trọng là bạn thích ngắm gì, muốn thưởng thức phong cảnh như thế nào để đưa ra lựa chọn phù hợp mà thôi.
Nếu bạn yêu hoa Anh đào giống Chang thì hãy ghé thăm vào mùa xuân, khoảng giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 tùy thời tiết từng năm. Đối với mình đây có lẽ là thời điểm lý tưởng nhất trong năm để ghé thăm xứ sở Phù Tang vì tiết trời se lạnh, trưa nắng ấm, Sakura đua nở khắp nơi.
Vào mùa hè Nhật Bản, thời tiết sẽ có chút nắng nóng và hơi oi ả dù là xứ ôn đới. Nhưng mà bù lại vật giá sẽ đỡ đắt đỏ hơn. Đây cũng là mùa cây cối xanh tươi, các suối nước trong veo chảy khắp nơi, những loài hoa chuyên nở vào mùa hè như Cẩm tú cầu đều đua nhau khoe sắc. Phù hợp cho những chuyến dã ngoại cùng gia đình và bạn bè.
Chưa kể từ tháng 7 tới tháng 8 là mùa Núi Phú sĩ mở đón đoàn leo núi khám phá, cũng là mùa của những lễ hội pháo hoa. Rất đáng để thăm thú và khám phá.
Với nhiều người thì mùa Thu chính là thời điểm đẹp nhất trong năm ở Nhật. Những cánh lá vàng, lá đỏ chen ngập mọi ngóc ngách phố xá, núi non, sông hồ, tạo nên một cảnh tưởng không thể nào tuyệt vời hơn. Rất nhiều người bạn đang sinh sống ở Nhật Bản đều công nhận với mình điều đó.
Cuối cùng là mùa đông lạnh giá của nước Nhật sẽ chẳng có gì ngoài tuyết. Dành cho ai đam mê cái lạnh, thích nghịch tuyết, trượt tuyết, hoặc là đứng ngắm nhìn tuyết rơi nè. Mùa này có vẻ sẽ khá buồn với nhiều người, vì sang đây đâu đâu cũng chỉ là một màu trắng xóa trông khá buồn tẻ.
Tip: Dù lựa chọn ghé thăm dịp nào, Chang nghĩ mọi người cũng nên tính toán kỹ lưỡng về thời điểm. Ví dụ muốn ngắm hoa Anh Đào thì cần theo dõi kỹ lịch hoa nở cập nhật trên web https://www.japan-guide.com/ để điều chỉnh lịch trình cho hợp lý. Ngắm lá vàng lá đỏ thì đọc kỹ kinh nghiệm của người đi trước để đi cho đúng vùng đúng thời gian. Tránh những kỳ nghỉ lễ Golden week bên Nhật ra (một năm có vài lần) vì thường những lúc như vậy vật giá sẽ đắt đỏ, và đông người tham quan hơn.
2. Trước khi tới Nhật Bản cần chuẩn bị những gì?
2.1 Xin visa du lịch và thủ tục nhập cảnh
Trừ những nước hiếm hoi miễn thị thực cho người Việt ra, điều đầu tiên quan trọng nhất khi sang một nước khác đó chính là xin visa nhập cảnh. Và Nhật cũng không thể nào là ngoại lệ.
Lúc đầu Chang tính cho em trai làm visa thăm thân, nhưng việc chuẩn bị hồ sơ từ bên Nhật gửi về khá phức tạp và mất thời gian, xét lịch sử đi lại của bản thân cũng ổn, nên mình quyết định xin visa du lịch loại 3 tháng nhập cảnh một lần.
Hồ sơ lúc mình làm thời điểm đầu tháng 2/2023 gồm có:
+ Hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng (điều kiện cơ bản)
+ 2 ảnh 4.5 x 3.5 nền trắng
+ Form khai xin visa bằng tiếng Anh
+ Vé máy bay hai chiều (Cái này có thể xin giữ chỗ được, không cần phải mua trước)
+ Lịch trình về chuyến đi thật chi tiết
+ Chứng minh tài chính (Xác nhận số dư tài khoản hoặc sổ tiết kiệm công chứng: có đầy đủ dấu đỏ, chữ ký và logo của ngân hàng. Sao kê tài khoản 6 tháng (Tô màu vào giao dịch nhận lương nếu có…)
+ Chứng minh nghề nghiệp ( Bản sao hợp đồng lao động có dấu đỏ của công ty và giấy xác nhận công tác có dấu đỏ của công ty)
+ Chứng minh mối quan hệ: Nếu nộp từ 2 người trở lên. (Bạn bè thì cần ảnh chụp chung rõ mặt, in màu khoảng 2 đến 3 kiểu. Gia đình thì sổ hộ khẩu, khai sinh, đăng ký kết hôn.)
Thời gian nộp xin visa du lịch Nhật Bản theo quy định là 10 ngày hoặc có thể lâu hơn. Hiện tại cá nhân sẽ không được tự ra nộp ngoài Đại sứ quán, mà phải nộp qua danh sách công ty du lịch được ĐSQ ủy thác.
Phí nộp cho Đại sứ quán khoảng 640.000vnd. Còn phí ủy thác thì tùy công ty, rẻ nhất là 200.000vnd.
Có một điều mọi người cần lưu ý, là nộp qua công ty du lịch được ủy thác không có nghĩa là mình đang làm dịch vụ visa của họ, mà người ta chỉ đếm đủ hồ sơ và nộp hộ mình sau đó thu phí thôi. Nên công ty ủy thác sẽ không thể đảm bảo hồ sơ bạn đậu hay trượt.
Nếu ai muốn nhận được tư vấn, hướng dẫn tận tình trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tránh những sai sót không đáng có, thì nên đăng ký thêm dịch vụ trọn gói. Như Chang đã đăng ký gói 1,5tr bao gồm cả phí xin visa rồi, vé máy bay và lịch trình mình tự xử.
Tip: Theo Chang thấy, điểm then chốt khi xin visa đi Nhật chính là phải chứng minh được việc mình tới đó chỉ để thăm thú, và sẽ ra về đúng hẹn. Vì vậy lịch trình là thứ mà mọi người nên quan tâm, phải lên sao cho hợp lý, có logic chặt chẽ, chứ đừng kiểu làm ngày đi mấy điểm cách nhau xa lắc xa lơ, nhìn thấy bất khả thi là nhân viên sứ quán có thể cho tạch liền. Với cả xin visa cũng hên xui lắm, nhiều trường hợp hồ sơ hay lịch sử đi lại đều đẹp mộng mơ, nhưng vẫn bị từ chối cho nhập cảnh mà không hiểu mình sai ở đâu.
2.2 Thủ tục nhập cảnh vào Nhật
Thường khi nhập cảnh vào nước nào cũng thế, trên máy bay tiếp viên sẽ phát cho một tờ đơn và điền thông tin vào đó. Nhưng dạo gần đây nhiều nước trong đó có Nhật đã áp dụng cho du khách được khai báo nhập cảnh online trước, lưu lại mã QR và lúc xuống máy quay chỉ việc quét và đi qua nên sẽ tiện lợi hơn rất nhiều.
Link để khai online là ở đây: https://www.vjw.digital.go.jp/main/#/vjwplo001
Cách điền mọi người lên google tra, sẽ có rất nhiều trang hướng dẫn về việc này nên mình không nói thêm ở đây nữa.
Còn ai thấy ngại vì điền phức tạp quá thì cũng không sao, xuống sân bay sẽ đều có người hướng dẫn cho bạn, có thể hơi lâu hơn một chút, nhưng mà mọi thứ đều sẽ ổn cả thôi.
Khi nhập cảnh bạn sẽ được lăn hai ngón tay trỏ, chụp ảnh lưu lại dữ liệu, và đôi lúc sẽ được hỏi thăm vài ba câu về mục đích nhập cảnh. Hãy thành thực trả lời là được.
2.3 Mua sim và đổi tiền trước khi tới Nhật
- Mua Sim
Với sự phát triển của xã hội bây giờ, thì việc đi đâu cũng cần có sóng internet là điều không thể chối cãi. Để duy trì cho việc liên lạc cũng như lên mạng tra những thông tin cần thiết, Chang đã mua một chiếc sim 4G cho 11 ngày với giá 570k. Mỗi ngày 2GB tốc độ cao, hết thì chạy tốc độ bình thường. Với chừng đó dữ liệu là đủ cho mình chơi xả láng, vì ở bên Nhật những nơi công cộng đều có wifi miễn phí, không lo bị đứt đoạn thông tin đâu.
Mọi người có thể tham khảo mua sim trên các web uy tín như SIM vật lý 4G Không Giới Hạn Dữ Liệu ở Nhật Bản (Nhận tại Nhiều Sân Bay Nhật Bản) của Sakura Mobile. Thanh toán trước, nhận voucher về email, tới sân bay đi theo hướng dẫn và nhận sim dùng ngay. Rất tiện lợi.
Với nhóm ai đi đông và muốn kinh tế thì có thể cân nhắc thuê cục phát WiFi 4G LTE không giới hạn (Nhận tại Sân bay Nhật Bản) kèm sạc dự phòng miễn phí. Sẽ phải cọc tiền máy, nhận bàn giao và đền bù nếu có hư hại. Ngoài ra mọi người phải luôn ở cùng nhau mới bắt được sóng, nên là cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn phương án này nha. Được cái đi đông, xài cái này share tiền siêu rẻ, nên tiết kiệm được nhiều chi phí cho chuyến đi Nhật vốn đã rất đắt đỏ.
- Đổi tiền Yên
Hiện tại đồng tiền Nhật đang bị rớt giá khá là thảm so với trước đây. Tỷ giá rơi vào khoảng 180d = 1 yên, chứ cách đây mấy năm đều rơi vào 210d cho 1 yên đấy. Giá Yên rớt thì có lợi cho người đi du lịch, nhưng mà vật giá bên Nhật cũng tăng lên không ít nên suy ra cũng đều như nhau cả thôi.
Trước đây mỗi khi đi du lịch Chang hay lên đổi tiền ở Hà Trung, nhưng sau khi tìm hiểu lại mới biết chúng ta hoàn toàn có thể mua ngoại tệ ở các ngân hàng chính quy. Tùy thuộc vào yêu cầu từng nơi, nhưng phần lớn người ta sẽ cần hộ chiếu, vé máy bay khứ hồi, đôi khi là cả visa. Để chắc chắn bạn nên gọi trước để kiểm tra thông tin trước khi tới mua.
Còn dành cho ai ở Hà Nội, Chang xin chia sẻ một địa điểm mua ngoại tệ rất uy tín và nhanh chóng. Đó là quầy Money Exchance ở tầng hầm B1 tòa Lotte center. Giá cả rõ ràng, không cần quá nhiều thủ tục. Chỉ cần 5 phút là bạn đã mua xong ngoại tệ với giá hợp lý.
Tip: Ở Nhật chủ yếu mình xài tiền mặt. Và đã phải mua một cái túi nho nhỏ để đựng tiền xu vì bên này rất nhiều xu lẻ, dễ lẫn lộn lắm. Các cửa hàng có nhận thanh toán thẻ tín dụng, visa đi cùng với % chi phí hợp lý. Mọi người có thể cân nhắc tùy theo nhu cầu cá nhân nhé.
3. Mua vé máy bay và cách di chuyển trong Nhật Bản
3.1 Câu chuyện mua vé máy bay!
Để mà nói vé máy bay tới Nhật không hề rẻ, so với bay đi Hàn còn có thể nói là quá đắt. Cũng có thể do Chang xui không canh được vé, nhưng bình thường vé đi Nhật ít nhất dao động từ 7tr khứ hồi đổ lên. Còn trong mùa đông khách như mùa hoa Anh Đào, mùa Lá đỏ, vé lên tới hơn 10tr là chuyện hết sức bình thường. Bản thân Chang cũng đã phải trả một cái giá không hề rẻ cho chiếc vé máy bay lần này. Bay tới Osaka, bay về từ Tokyo của hãng VJ (Tổng 13tr cả kg - khóc thét ).
Kinh nghiệm đặt ra ở đây là gì? Đó là nên lên kế hoạch từ sớm, canh các đợt tung vé rẻ của các hãng, nếu được có thể chọn đi chơi mua thấp điểm để tiết kiệm chi phí hơn.
Ngoài ra cũng cần tính toán kỹ xem điểm đến và điểm về của mình trong hành trình là ở đâu, để có thể mua tách chặng. Ví dụ như Chang đi chơi từ nam lên bắc nên đã quyết định bay tới Osaka, sau đó bay về từ Tokyo. Vé tách chặng cũng không đắt hơn mấy đâu, nếu so với việc mất thêm thời gian và tiền tàu xe để quay lại Osaka rồi bay về.
3.2 Làm thế nào để đi lại thuận tiện và tiết kiệm chi phí hơn ở Nhật Bản
Giao thông ở Nhật Bản rất tiện lợi, đó là điều không ai phủ nhận. Nhưng với một người nước ngoài để nắm và tận dụng hết cái hay trong đó thì không phải là điều dễ dàng gì. Ở trong mục này, Chang sẽ cố gắng tóm lược, nói ngắn gọn nhất có thể về giao thông nước Nhật, mong là có thể giúp mọi người đỡ bỡ ngỡ hơn trong chuyến đi.
+)Tàu điện ngầm
Đầu tiên Chang không thể không nhắc tới hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt ở đây. So với Hàn, độ phức tạp của Nhật nó phải ở cái tầm. Vì có rất nhiều hãng tàu tư nhân, đủ loại màu sắc, tuyến tàu thành phố, địa phương, tỉnh này tỉnh nọ đủ cả. Và để dùng một cách thông thạo nhất, chúng ta đành phải học cách thích nghi mà thôi.
Bí quyết đầu tiên mình muốn chia sẻ đó là sử dụng app google map để tra tuyến tàu cần đi. Tuy đôi lúc vẫn có những sai sót nhất định, nhưng nhìn chung app này vẫn chỉ khá chuẩn, có hiện rõ giờ tàu đến, line màu tàu mình cần lên, chuyến tiếp theo mấy giờ, hiện cả giờ trễ nếu tàu tới muộn.
Tuy nhiên bạn cũng đừng nên qua ỷ lại vào map, mà nên có những mẹo riêng. Ví dụ bạn nên tìm hiểu xem ga tàu mà mình phải tới tên là gì, ga tàu mình sẽ xuất phát tên là gì, để cố định hai điểm đầu cuối, tránh trường hợp xuống hầm, định vị kém sẽ dễ chỉ đi nhầm tàu. Chang đã đi lạc mất 1 tiếng, lên nhầm 2 lần tàu ngay hôm đầu tiên tới Osaka vì lỗi này.
Icoca/Pasmo/Suica là ba chiếc thẻ có thể sử dụng để thanh toán vé tàu điện ngầm và cả xe buýt. Cả ba loại đều có giá trị trên khắp nước Nhật nên dùng loại nào cũng được. Bạn có thể mua chúng ở các quầy và máy bán vé tự động ở các nhà ga. Giá 1000y/ 1 cái và người ta sẽ để lại 500y để làm phí giữ thẻ.
Ngoài ra du khách cũng có thể sử dụng hình thức mua vé giấy ở các ga, chọn ngôn ngữ tiếng anh, chọn điểm đến và đi, sau đó nộp tiền vào và máy sẽ trả bạn 1 tấm vé, cũng như tiền thừa. Nếu bạn đi quá trạm đăng ký ban đầu, lúc xuống tàu sẽ phải ra quầy để nộp thêm tiền còn thiếu.
Ở các nhà ga, nhất là các nhà ga lớn lúc nào cũng có nhân viên sân ga đứng gần mấy quầy bán vé để hỗ trợ những người lần đầu sử dụng. Nên đừng ngần ngại hỏi họ nhé. Gì chứ dịch vụ của người Nhật không chê được điểm nào đâu.
Ngoài ra nếu bạn tính toán cần di chuyển nhiều trong một ngày, thì có thể cân nhắc tìm hiểu các loại vé ngày, vé gộp hai đến ba ngày, để tiết kiệm chi phí hơn.
Ví dụ ở vùng Kansai (gồm có Osaka, Nara, Kyoto, Kobe…) trên Klook có bán loại vé (thẻ) gọi là Kansai thru pass từ 2 đến 3 ngày (giá 950kvnd đổ lên). Mọi người vào web mua hàng theo link mình gắn, sau đó có voucher về email, đến ngày tới sân bay Kansai để lấy vé, sau đó dùng đi về trung tâm Osaka được luôn. Dùng cái này rất tiết kiệm, sử dụng được hầu hết các tuyến tàu điện ở khu vực Kansai (trừ xe buýt, tàu JR…), ngoài ra còn được giảm giá ở một số nhà hàng, địa điểm tham quan trong khu vực, lúc nhận vé người ta sẽ cho bạn danh sách kèm theo . Dùng vé combo ngày này tiện ở chỗ nếu lỡ đi lộn bến, quẹt lên xuống tẹt bô mà không phải lo ngại tốn thêm tiền.
Ngoài ra nếu bạn chỉ định chơi mỗi Osaka thì có thể suy nghĩ mua Vé Osaka Amazing Pass, đây là tấm vé bao gồm tàu điện ngầm Osaka, xe buýt thành phố Osaka (trừ một số tuyến) và các tuyến đường sắt tư nhân. Tuy nhiên, vé chỉ giới hạn ở thành phố Osaka. Cái hay của vé là được vào miễn phí khoảng 40 địa điểm bao gồm Tháp Lâu đài Osaka, Lâu đài Osaka Gozabune, Đài quan sát Tòa nhà Umeda Sky (đến 15:00), xe buýt nước Osaka (Aqua Liner) và thuyền sông Tombori kèm phiếu giảm giá và quà tặng tại khoảng 30 địa điểm và cửa hàng. Rất là hời luôn!
Hoặc là ở Kyoto thì chủ yếu dùng xe buýt nên có thể mua vé ngày 700y, dùng được hầu hết các loại xe bus trong Kyoto. (Chang sẽ review kỹ cách mua, và dùng hai loại vé thẻ này trong bài review về Osaka và Kyoto). Ở Nhật thì có rất nhiều các loại vé ngày, thẻ đi gộp như vậy, tùy thuộc vào từng địa phương, khu vực, nên nếu bạn có nhu cầu cần tiết kiệm chi phí có thể tìm hiểu kỹ thêm về điều này.
+) Tàu Shinsaken
Đây là loại tàu siêu tốc, phù hợp với di chuyển đường dài, từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác trong chớp mắt, nên tiết kiệm được nhiều thời gian. Tuy nhiên đi cùng với đó là giá cả không hề rẻ một chút nào. Như Chang đã có dịp trải nghiệm đi từ Kyoto lên Tokyo trong hơn 2 tiếng đồng hồ với giá vé 2tr5 cho 1 chiều. Đắt hơn cả vé máy bay, nhưng tiện lợi và thoải mái hơn nhiều.
Bạn có thể ra quầy mua vé và xuất phát luôn nếu muốn. Có nhiều loại vé, từ cơ bản bình dân cho đến cao cấp. Vé cơ bản là kiểu bạn lên còn ghế thì ngồi, không thì sẽ phải đứng, còn cao cấp thì sẽ có chỗ ngồi riêng với toa riêng. Còn ai muốn mua trước trên Klook cho rẻ và đỡ băn khoăn thì bấm vào đây nha. Mình để ý giá mềm hơn khá nhiều mua trực tiếp đấy.
Nếu ai có nhu cầu di chuyển nam bắc du lịch Nhật Bản trong dài ngày, cần tiết kiệm thời gian, có thể cân nhắc mua JR Pass 7, 14, 21 ngày ở đây, để đi khắp nước Nhật bằng tàu Shin. Giá rải từ 7tr đổ lên cho ba mức. Bạn có thể tìm hiểu mua trên Klook theo link nhé. Mình đi chơi dài ngày toàn mua vé bên này, làm việc rất uy tín với mạng lưới chặt chẽ.
+) Taxi và xe buýt đường dài (cao tốc)
Nếu bạn đi đông người, và chỉ cần đi một cuốc ngắn khoảng 3km đổ xuống, thì taxi cũng là một sự lựa chọn không tồi. Giá taxi đắt, tầm gần 600 ~700y cho 1km đầu tiên, sau đó cứ tăng dần. Giá sau khi xuống xe sẽ phải tính thêm cả thuế. Nên trong trường hợp không cần thiết, taxi không phải là phương tiện nên dùng khi tới Nhật.
Hệ thống đường cao tốc ở Nhật rất tốt, nên rất thịnh hành các chuyến xe buýt chạy đường dài. Các xe buýt đều có nhà vệ sinh trên xe nên cứ vậy chạy một mạch nếu không phải quãng đường quá xa.
Đầu tiên Chang đã định đi xe buýt đêm lên Fuji từ Kyoto với thời gian 9 tiếng chạy đêm, giá khoảng 6900y cho ghế ngồi. Giá chỉ rẻ bằng một nửa tàu Shin, lại còn đỡ một đêm khách sạn. Nhưng mà sợ mệt quá không chịu nổi nên đổi kế hoạch. Bạn nào có sức khỏe có thể đi theo phương án này. Link đặt vé xe buýt đây : https://willerexpress.com/en/bus_search/ . Tuy không đi buýt đêm, nhưng Chang vẫn đặt vé đi Fuji về Tokyo qua web này. Bạn điền thông tin mail, thanh toán bằng thẻ visa, vé sẽ được gửi về mail rất cụ thể và dễ hiểu.
4. Tìm khách sạn với giá cả hợp lý khi đi du lịch Nhật Bản
Nhật bản là xứ sở đắt đỏ nên việc tìm được một nơi nghỉ ngơi có giá cả vừa túi tiền là điều tối quan trọng. Trong chuyến đi này, Chang đã ở Osaka 2 đêm, Kyoto 3 đêm, Fuji 2 đêm và Tokyo 2 đêm. Mỗi nơi lại có những đặc điểm, mức giá phòng ốc khác nhau. Nhưng nhìn chung mọi người nên lưu ý những điểm sau đây để có thể tìm được cho mình một khách sạn ưng ý.
+ Giá phòng ở Nhật không rẻ, thường dao động tầm 1tr đổ lên cho một phòng 2 người, và phải đặt từ thật sớm mới mong có được giá tốt. Còn đặt quá sát ngày thì thường giá sẽ phải loanh quanh 2tr cho 1 đêm.
+ Nếu ai không ngại chung đụng, muốn tiết kiệm chi phí có thể tham khảo ở Dorm, một dạng phòng trọ tập thể, có giường ngủ riêng tư, sử dụng nhà vệ sinh chung. Giá dao động từ 500k đổ lên cho 1 người. Dorm cũng lắm loại, có dạng không gian chung chia giường, có dạng thì như chia biệt lập thành từ ô mini, giá cả theo đó cũng sẽ khác nhau. Chang thấy ở dorm cũng không phải là một ý tệ, mình đã ở thử Fuji và thấy sạch sẽ, rất yên tâm. Nhưng mà phải giữ yên tĩnh vì là không gian ở chung, và để an toàn các bạn nữ nên chọn phòng dành cho nữ hơn là phòng tập thể nam nữ.
+ Lúc chọn nơi ở điều quan trọng nhất là nên chọn gần ga tàu để tiện di chuyển. Cách khoảng 500m đổ lại là ổn nhất. Vì đi chơi cả ngày về còn phải đi bộ xa mới tới khách sạn là bạn sẽ thấy mệt đứt hơi hơn đấy.
+ Thường khách sạn bên Nhật sẽ không bao gồm ăn sáng, nếu có nhu cầu lúc tới check in có thể đặt nếu muốn.
+ Như mọi lần Chang đã đặt phòng trên app Booking.com, ngoài ra mọi người có thể đặt qua Airbnb. Thường trên Booking sẽ thiên về phòng khách sạn, còn Airbnb sẽ có thêm các lựa chọn nhà dân với giá cả hợp lý, phù hợp cho ai đi đông cần tìm căn hộ rộng rãi để share chi phí.
+ Trong 4 khu vực mình đã ở thì Chang thấy Osaka có giá phòng dễ chịu nhất, Kyoto giá phòng đắt nhất vì là khu vực phố cổ, Fuji thì ít nơi lưu trú nên cần đặt sớm. Tokyo thì không nên ở gần trung tâm vì giá phòng rất cao, có thể ở xa một chút rồi đi tàu vào thành phố chơi cũng ổn vì hệ thống đi lại bên này rất nhanh. Trên Tokyo thì có rất nhiều dạng phòng hình con nhộng, giá cũng chẳng rẻ nhưng ai thích ở trung tâm có thể cân nhắc.
+ Danh sách khách sạn Chang đã ở trong chuyến đi này:
- Bande Hotel Osaka (バンデホテル大阪) - 2 đêm : 2.200.000 - Phòng đôi hotel - Sạch sẽ, diện tích vừa phải đủ dùng khép kín, có phòng giặt đồ, không hỗ trợ check in sớm, không có ăn sáng, cách ga nhỏ Tamade 180m.
- Tabist Sakura Guest House Kyoto - 3 đêm: 8.500.000 - Phòng dạng chung cư mini rộng rãi, có khu bếp nấu nướng, ban công với máy giặt và móc treo đồ riêng, chủ nhà siêu thân thiện, hỗ trợ check in sớm, check out muộn. Hơi xa bến xe buýt một chút, phòng hơi cũ nhưng mọi thứ vẫn ổn. Phải nộp thêm 1000y thuế thành phố theo quy định.
- Kagelow Mt.Fuji Hostel Kawaguchiko - 1 đêm: 650.000/người - Dạng dorm tập thể, phòng 5 giường cho nữ, có chìa khóa riêng, khu vực tắm chung sạch sẽ, cách ga Kawaguchiko 750m, ra khỏi cửa là thấy núi Phú sĩ.
- MATSUYAMA BASE (Fuji) - 1 đêm - 650.000/người - Cũng là một phòng dạng Dorm chung nam nữ gồm 2 giường tầng. Anh chủ trông rất ngầu, biết nói tiếng anh, nhà hơi nhỏ vì kiểu nhà dân nhưng ấm cúng, design rất nghệ. Hơi có mùi dầu hỏa vì chạy máy sưởi còn lại mọi thứ ok.
- Coco Stay Nishikawaguchi Ekimae - 2 đêm: 2.200.000 - Phòng hai giường đơn - Khá sạch sẽ, phòng vệ sinh chung, nhưng nên note lại để lễ tân cho ở cùng tầng với khu vực vệ sinh để tránh bất tiện, ngay sát ga tàu lớn Nishikawaguchi, nằm ở tỉnh Saitama nhưng sát thành phố Tokyo, nên chỉ cần đi tàu 30p là vào tới trung tâm thủ đô. Xung quanh khu này có rất nhiều nhà hàng Việt cũng như quán ăn đủ loại.
P/s: Mình sẽ review cụ thể chỗ ở trong từng bài viết về các vùng nhé!
5. Ăn gì khi tới Nhật Bản?
Như đã nói ở bài trước, các món ăn Nhật Bản rất nổi tiếng và có số má trên bản đồ ẩm thực thế giới. Tuy nhiên đã là thứ cho vào miệng thì không phải ai cũng hợp và yêu thích, sẽ có người ghét, kẻ mê mẩn. Đồ ăn Nhật cũng vậy thôi. Người thích thì rất thích, mà người đã không thích thì đều lắc đầu quậy quậy chê không ăn nổi.
Nói một cách công tâm Chang không hợp ẩm thực Nhật cho lắm. Tính mình thích ăn cay, mùi vị đậm đà, có tẩm ướp đủ loại gia vị. Nhưng món ăn ở đây thường nhạt (trừ Ra men mặn chát), người Nhật họ tôn trọng mùi vị vốn có của nguyên liệu nên thường không dùng quá nhiều gia vị, mà chỉ nấu nguyên sơ, nên khiến Chang thấy món ăn ở đây không đủ thơm ngon hấp dẫn.
Tuy nhiên cái gì cũng có ngoại lệ, có ba loại đồ ăn khiến mình thấy mê mẩn khi ở Nhật đó là sushi, kem và các loại nước ép ở siêu thị.
+ Trước khi tới Nhật, Chang cũng không thích Sushi lắm đâu vì mình không ăn được đồ sống. Nhưng tới rồi thử mới biết Sushi ngoài đồ tươi sống ra còn có cả đồ chín và giá sẽ cao hơn vì cần phải thêm một bước chế biến. Giá sushi thường 100y/1 đĩa đổ lên có 1 đến 2 miếng (thường là 2). Nguyên liệu càng xịn thì món ăn càng đắt. Có thể lên đến 300y, 400y 1 đĩa.
Thường các nhà hàng sushi sẽ phục vụ theo kiểu băng chuyền. Tùy nhà hàng và thời điểm mà bạn tới là giờ nào, nếu đúng giờ đông khách đôi khi sẽ phải chờ cho tới khi có bàn trống.
Vào bàn xong sẽ được đưa một cái ipad để gọi món, thường sẽ có ngôn ngữ tiếng Anh nên nhớ để ý lựa chọn. Lựa xong món, chờ một lúc sushi sẽ theo băng chuyền đi ra chỗ bạn ngồi. Có nơi lúc món ăn tới chỗ bạn nó sẽ phát ra tiếng chuông, hoặc có nơi món ăn sẽ chạy thẳng ra và dừng lại ngay bàn để khách lấy ăn. Hết bữa ăn bạn gọi phục vụ và họ sẽ chốt đơn lại rồi thanh toán.
Với Chang cái ngon của Sushi nằm ở phần cơm mềm dẻo, nguyên liệu đi kèm như cá, bạch tuộc, trứng cá các loại đều được chế biến khiến người ăn cảm giác như tan ra trong miệng. Không hề có một mùi tanh nào ở đây. Người Nhật quan trọng chất lượng và vấn đề vệ sinh nên món ăn lúc nào cũng đảm bảo được độ tươi ngon. Tuy nhiên giá cả để ăn một bữa Sushi thỏa thê không hề rẻ chút nào, rơi vào khoảng 7000y cho 2 người ăn.
Ở Nhật có rất nhiều chỗ ăn Sushi, chuỗi cửa hàng mà Chang lựa chọn ăn hai lần trong chuyến đi này có tên là Sushiro với hàng trăm cửa hàng trên khắp cả nước. Bạn cứ gõ lên google map là ra, và lựa chọn cửa hàng mình muốn ăn là được.
+ Phải nói là Chang mê mẩn món kem ở Nhật. Vị của kem ở đây không hề bị ngọt quá, nó vừa phải, lại thơm mùi đủ loại trái cây, nguyên liệu theo ý mình lựa chọn. Giá kem ở Nhật cũng không rẻ, rơi vào khoảng 2, 300y nếu kem trong siêu thị, còn kem tươi cứ phải 500y đổ lên. Thế mà mình cũng kịp măm khoảng 4, 5 cái trong chuyến đi này vì thèm. Nhìn thấy là mua không bỏ qua nổi.
Sau đây là vài vị kem mà Chang đã thưởng thức cho mọi người tham khảo nè!
6. Những lưu ý khác cần biết khi đi du lịch Nhật Bản
+ Thời tiết bên Nhật vào tầm cuối tháng 3 đầu tháng 4 vẫn còn khá lạnh vào buổi sáng và tối, nên mọi người mặc một chiếc áo khoác bên ngoài để tiện cởi ra lúc nắng lên, nhiệt độ sẽ ấm hơn.
+ Ngoài các kiểu thời tiết cơ bản, ở Nhật còn có một hình thái thời tiết khác thường xảy ra đó là gió. Không phải kiểu gió thoang thoảng như ở Việt Nam mà là gió như bão luôn. Mấy ngày cuối ở Fuji và Tokyo, Chang đã được trải nghiệm kiểu thời tiết này. Gió giật tới mức cửa sổ phòng khách sạn run lên bần bật cả đêm, đi ngoài đường là có thể bị xô ngã. Nên mọi người check thời tiết nên lưu ý tới điều này.
+ Du lịch ở đâu cũng thường sẽ phải đi bộ nhiều. Bạn nên chọn những đôi giày êm ái để đi lại đỡ đau chân. Buổi tối về có thể ngâm bồn thư giãn, hoặc mua mấy miếng dán ngoài tiệm thuốc về để đỡ nhức mỏi, sẵn sàng cho hành trình của ngày tiếp theo. Chang đã đau êm ẩm bàn chân trong suốt chuyến đi vì đi mấy đôi giày da hơi cứng, đẹp nhưng mà hại chân lắm. Đến cuối hành trình thì chuyển sang đau bắp chuối vì đi quá nhiều. May mà ham chơi nên vẫn trụ được đến ngày về. =))
+ Vì là khách du lịch nên lúc mua đồ các bạn nên mang theo hộ chiếu để được miễn thuế. (Khoảng 8%). Chuỗi cửa hàng Chang đã mua có tên Donkihote. Đây là một siêu thị đủ mọi chủng loại hàng hóa và có mặt ở khắp mọi nơi. Tra gg là ra hết nè.
+ Người Nhật không nói được nhiều tiếng Anh, một số nơi công cộng có nói sơ sơ, kiểu dùng từ đơn thôi, nhưng họ khá nhiệt tình, nên bạn đừng ngại khi cần phải giao tiếp. Không nữa có thể tận dụng google dịch để hội thoại. Hoặc lưu sẵn các hình ảnh về địa điểm mình sẽ tới, món ăn mình muốn ăn chẳng hạn. Tất cả đều có thể giúp chuyến đi được trở nên suôn sẻ hơn.
P/s: Nếu bạn cảm thấy những thông tin Chang review là hay ho và có giá trị, hãy mời Chang một ly cà phê nha!
->>> Tham khảo các dịch vụ cần thiết cho một chuyến du lịch Nhật ở đây:
-> Mua vé báy bay đi Nhật giá rẻ
-> Dịch vụ đặt phòng khách sạn ở Nhật Bản
-> SIM vật lý 4G Không Giới Hạn Dữ Liệu ở Nhật Bản (Nhận tại Nhiều Sân Bay Nhật Bản) của Sakura Mobile.
-> Cục phát WiFi 4G LTE không giới hạn (Nhận tại Sân bay Nhật Bản) kèm sạc dự phòng miễn phí.
-> Thẻ Kansai Thru pass đi lại thuận tiện vùng Kansai (Osak, Kyoto, Nara….)
-> Vé Osaka Amazing Pass,
-> Vé JR Pass 7,10, 14 ngày đi khắp nước Nhật
-> Vé tàu JR từ Kyoto lên Tokyo và ngược lại
Được gắn thẻ dulichnhatban, japan, kinhnghiem