Đừng bao giờ ngại đặt câu hỏi cho bác sĩ về chẩn đoán, điều trị, hồi phục hoặc bất kỳ điều gì khác khiến bản thân bạn lo lắng, có vậy bạn mới hiểu phần nhiều bệnh của mình và điều này giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt về việc điều trị ung thư. Vậy khi không may mắc ung thư vú nên bạn hỏi bác sĩ của mình những gì? Có bao nhiêu câu hỏi về ung thư vú? Bài viết sau của thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp chi tiết các vấn đề trên.
Khi mới mắc ung thư vú bạn nên hỏi gì?
Khi mới mắc ung thư vú, điều quan trọng người bệnh phải hỏi bác sĩ để hiểu rõ về chẩn đoán, các lựa chọn, kế hoạch điều trị và những gì có thể mong đợi trong suốt quá trình điều trị và hồi phục.
Nếu có thể, người bệnh nên chuẩn bị trước những câu hỏi về ung thư vú, thắc mắc và đi cùng một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè khi đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung bướu chuyên về điều trị bệnh lý tuyến vú.
Đội ngũ bác sĩ điều trị bệnh ung thư vú bao gồm:
- Bác sĩ phẫu thuật vú hoặc bác sĩ phẫu thuật ung thư.
- Bác sĩ xạ trị ung thư.
- Bác sĩ ung bướu nội khoa.
- Bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ vú.
- Các thành viên khác có thể bao gồm: điều dưỡng, thư ký y khoa, bác sĩ tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, nhân viên xã hội và chăm sóc khách hàng.

Các câu hỏi về ung thư vú người bệnh nên hỏi khi được chẩn đoán
Nếu bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, người bệnh sẽ muốn tìm hiểu thêm về loại ung thư vú, các lựa chọn điều trị và hỗ trợ của bản thân. Nếu bác sĩ khám sức khỏe tổng quát nghi ngờ bạn mắc ung thư vú, bạn sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Sau khi có kết luận, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp với thể trạng và khả năng của người bệnh.
Những câu hỏi về ung thư vú ban đầu người bệnh nên hỏi khi được chẩn đoán:
- Tôi mắc loại ung thư vú nào?
- Khối u ở đâu trong ngực tôi?
- Tôi đang ở giai đoạn nào? Tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc nơi nào khác trong cơ thể tôi chưa?
- Tình trạng thụ thể hormone của bệnh ung thư như thế nào?
- Làm thế nào để tôi có bản sao báo cáo bệnh của mình?
- Tôi có cần xét nghiệm thêm trước khi điều trị không?
- Tôi có nên làm xét nghiệm chỉ số đánh dấu khối u không? Vì sao?
- Tôi có nên tham khảo ý kiến của bác sĩ tư vấn di truyền hay làm xét nghiệm di truyền không?
- Tôi có gặp bác sĩ nào khác không?
- Có nhiều lựa chọn điều trị cho loại ung thư của tôi không?
- Bác sĩ đề xuất phương án điều trị nào?
- Lợi ích, rủi ro và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị được khuyến cáo là gì?
- Bác sĩ đã điều trị cho những trường hợp giống tôi chưa?
- Tôi có nên xét nghiệm lần hai không và bằng cách nào? Điều đó có làm trì hoãn việc điều trị của tôi không và làm như vậy có an toàn không?
- Tiên lượng cho loại và giai đoạn ung thư của tôi như thế nào?
- Bệnh ung thư của tôi được bảo hiểm y tế chi trả ra sao?
- Có nguồn hỗ trợ về chi phí điều trị cho người bệnh không?
- Tôi có được hỗ trợ sức khỏe tâm thần không?
- Bác sĩ có thể giới thiệu tôi nhóm hỗ trợ nào không?
Các câu hỏi về xét nghiệm di truyền trong ung thư vú.
Xét nghiệm di truyền có thể giúp xác định bệnh ung thư vú hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư vú có phải do đột biến gen di truyền hay không, điều này có thể giúp hướng dẫn điều trị. Chỉ 5-10% bệnh ung thư vú có liên quan đến đột biến gen di truyền [1]. Câu hỏi về xét nghiệm di truyền ung thư vú bao gồm:
- Tôi nên làm xét nghiệm di truyền hay gặp bác sĩ tư vấn di truyền?
- Có những lựa chọn xét nghiệm nào?
- Tiền sử gia đình ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ ung thư hiện tại và tương lai của tôi?

Các câu hỏi về ung thư vú, phương pháp điều trị và lựa chọn
Các phương pháp điều trị ung thư vú bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch. Các phương pháp điều trị có thể được thực hiện riêng biệt hoặc kết hợp. Các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, sức khỏe của người bệnh và các yếu tố khác. Điều quan trọng là người bệnh nên đặt câu hỏi về ung thư vú với bác sĩ xạ trị, bác sĩ nội khoa ung thư và bác sĩ phẫu thuật ung thư vú trước, trong và sau điều trị.
1. Trước khi lựa chọn điều trị
Các câu hỏi về ung thư vú cần hỏi trước điều trị bao gồm:
- Tôi sẽ được điều trị trong bao lâu?
- Tôi sẽ được điều trị ở đâu?
- Mỗi lần điều trị kéo dài bao lâu?
- Lợi ích, rủi ro và tác dụng phụ khi điều trị là gì?
- Việc điều trị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và công việc của tôi như thế nào?
- Liệu pháp điều trị này có khiến tôi bị mãn kinh không?
- Việc điều trị này có ảnh hưởng đến sinh sản không?
- Phương pháp điều trị này có tác dụng như thế nào với loại ung thư của tôi?
2. Trong lúc điều trị
Các câu hỏi về ung thư vú cần hỏi trong quá trình điều trị bao gồm:
- Làm sao để biết việc điều trị có hiệu quả hay không?
- Tôi có thể làm xét nghiệm gì trong quá trình điều trị không?
- Tôi nên liên hệ với bác sĩ khi gặp những tác dụng phụ nào? Có trường hợp nào cần được chăm sóc y tế khẩn cấp không?
- Có cách nào để tôi cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình điều trị không? Điều trị các tác dụng phụ như thế nào?
- Có liệu pháp hỗ trợ nào có thể giúp ích cho tôi trong quá trình điều trị không?
- Tôi có được điều trị về sức khỏe tinh thần trong quá trình điều trị không?
3. Sau khi điều trị
Các câu hỏi về ung thư vú cần hỏi sau khi điều trị bao gồm:
- Tôi có cần kiêng cữ gì sau điều trị không? Nếu có sẽ kéo dài trong bao lâu?
- Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ bị phù bạch huyết cánh tay?
- Tôi có cần tái khám hoặc làm các xét nghiệm tiếp theo không?
- Điều gì xảy ra nếu việc điều trị có kết quả không như mong đợi?
4. Chăm sóc sau điều trị
Các câu hỏi cần hỏi khi chăm sóc sau điều trị bao gồm:
- Có bất kỳ tác dụng phụ hoặc triệu chứng nào sau điều trị không? Tôi có cần nhập viện điều trị các triệu chứng này?
- Chế độ dinh dưỡng sau điều trị như thế nào?
- Khi nào nên liên hệ với bác sĩ?

Các câu hỏi về phẫu thuật ung thư vú
Đảm bảo liên lạc với bác sĩ điều trị để có thể hỏi các vấn đề liên quan đến phẫu thuật.
Phẫu thuật là một phần trong quá trình điều trị ung thư vú cho hầu hết người bệnh. Các loại phẫu thuật bao gồm: phẫu thuật bảo tồn vú (cắt bỏ khối u và mô xung quanh), cắt bỏ toàn bộ vú, phẫu thuật tái tạo vú và các thủ thuật nạo hạch bạch huyết.
Nếu người bệnh sắp phẫu thuật, có những câu hỏi người bệnh nên hỏi bác sĩ phẫu thuật vú hoặc bác sĩ phẫu thuật ung thư trước và sau phẫu thuật.
Các câu hỏi về ung thư vú cần hỏi trước phẫu thuật bao gồm:
- Bác sĩ đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật tương tự như tôi chưa?
- Tôi có phải được thực hiện nhiều loại phẫu thuật vú không?
- Những rủi ro và lợi ích của cuộc phẫu thuật là gì?
- Bác sĩ có phải loại bỏ bất kỳ hạch bạch huyết nào không?
- Bác sĩ có sinh thiết hạch gác cửa không? Phương pháp nào được thực hiện? Những lợi ích và rủi ro là gì?
- Tôi có cần làm thêm các xét nghiệm liên quan đến khối u không? Đó là những loại xét nghiệm nào và có thể mong đợi gì từ kết quả xét nghiệm?
- Tôi sẽ có phải điều trị thêm sau phẫu thuật không?
- Khi nào và bằng cách nào tôi nhận kết quả giải phẫu bệnh của mình?
- Quá trình hồi phục của tôi sẽ như thế nào khi ở bệnh viện và ở nhà?
- Vú của tôi sẽ trông như thế nào sau phẫu thuật? Còn vết sẹo thì sao?
- Tôi có được chỉ định tái tạo vú không? Tôi có thể thực hiện tái tạo cùng lúc với phẫu thuật điều trị ung thư không?
Các câu hỏi cần hỏi sau phẫu thuật bao gồm:
- Tất cả tế bào ung thư đã được loại bỏ chưa?
- Hạch bạch huyết có bị loại bỏ không? Có hạch nào di căn trong lúc mổ không?
- Ai có thể xem báo cáo bệnh của tôi?
- Tôi có cần tiếp tục điều trị hay phẫu thuật thêm không?
- Tôi có thể gặp những triệu chứng gì sau phẫu thuật? Các triệu chứng kéo dài bao lâu?
- Tôi có thể gặp biến chứng hoặc tác dụng phụ nào? Khi nào tôi nên báo cho bác sĩ?
- Tôi có cần hạn chế điều gì không? Khi nào tôi có thể tiếp tục các hoạt động bình thường?
Các câu hỏi về ung thư vú cần hỏi khi tất cả các phương pháp điều trị được thực hiện
Khi kết thúc quá trình điều trị, người bệnh vẫn phải được hẹn tái khám. Người bệnh có thể hỏi bác sĩ về việc chăm sóc và theo dõi sau điều trị, bao gồm:
- Tôi có cần tái khám và làm thêm xét nghiệm không? Khi nào và trong bao lâu?
- Có tác dụng phụ kéo dài không? Tôi nên liên hệ với bác sĩ khi có những triệu chứng nào?
- Khả năng ung thư tái phát sau điều trị?
- Nên làm gì nếu ung thư tái phát?
- Khả năng phát triển một loại ung thư khác sau điều trị có cao không?
- Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ ung thư tái phát không?
- Tôi có được điều trị về sức khỏe tâm thần sau điều trị không?
Các câu hỏi thường gặp
1. Làm thế nào để bạn thu hẹp các câu hỏi trong lần khám ung thư đầu tiên?
Trong lần khám đầu tiên, người bệnh có thể thu hẹp các câu hỏi về loại ung thư đang mắc, các lựa chọn điều trị và tiên lượng. Người bệnh cũng có thể hỏi bác sĩ cách liên hệ nếu có thêm câu hỏi sau cuộc hẹn đầu tiên.
2. Bác sĩ xác định giai đoạn ung thư vú ở thời điểm nào?
Giai đoạn ung thư được xác định dựa trên kích thước khối u, tình trạng thụ thể hormone và sự lan rộng của tế bào ung thư. Giai đoạn ung thư được đánh số từ 0-4. Sinh thiết sẽ xác nhận người bệnh có bị ung thư vú hay không. Một giai đoạn lâm sàng có thể được chỉ định trước phẫu thuật và giai đoạn này có thể được lặp lại sau phẫu thuật cùng với các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh.
Mặc dù khi được chẩn đoán mắc ung thư vú có thể khiến người bệnh hoang mang, lo lắng nhưng điều quan trọng là người bệnh phải đặt câu hỏi trong mọi giai đoạn chăm sóc và điều trị. Người bệnh nên viết ra các câu hỏi trước khi đến khám bệnh. Đảm bảo rằng người bệnh có một danh sách các câu hỏi về ung thư vú sau lần chẩn đoán ban đầu; trong suốt quá trình điều trị; trước và sau phẫu thuật cũng như khi quá trình điều trị hoàn tất.
Điều trị ung thư vú tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm, làm việc phối hợp đa chuyên khoa như: Ngoại Vú - Chẩn đoán hình ảnh - Giải phẫu bệnh - Nội khoa Ung thư. Từ đó mang lại cơ hội điều trị tốt cho người bệnh không may mắc căn bệnh này.
Ngoài ra, khoa Ngoại Vú còn lập nhóm “CLB bệnh nhân ung thư vú bệnh viện Tâm Anh” giúp người bệnh có thêm nơi để chia sẻ những khó khăn, lo lắng với những người bệnh cùng hoàn cảnh.
Bài viết này sẽ đề cập đến các câu hỏi về ung thư vú cần đặt ra sau khi người bệnh được chẩn đoán ung thư vú lần đầu; các câu hỏi là mối lo lắng của bệnh nhân và thân nhân trước, trong và sau khi điều trị; trước và sau phẫu thuật cũng như khi tất cả các phương pháp điều trị hoàn tất. Người bệnh nên hỏi bác sĩ những điều trên để có sự chuẩn bị tốt nhất trong việc điều trị. Từ đó góp phần đẩy lùi ung thư cũng như hạn chế biến chứng sau điều trị.