Có lẽ đây sẽ là bài viết đầu tiên mà nội dung mang tính “than phiền cực mạnh”. Thi thoảng cũng phải viết một bài nghiêm túc tí, gọi là có điểm nhấn trong blog (just kidding). Anyway, đây là một bài viết mang ý kiến cá nhân của mình, với nội dung là :”Du học sinh về nước không thích gì ở Hà Nội?”, hay nói cách khác là cá nhân mình không thích gì khi về sống ở Hà Nội sau khi du học Nhật 4 năm.
Sau hơn 3 tháng thì mình cũng đã hòa nhập lại được với cuộc sống ở đây. Nhưng không thể phủ nhận là có những thứ khiến mình cảm thấy khó chịu. Sau đây mình xin được liệt kê một số thứ/điều mà mình không thích cho lắm khi về sống ở đây.
1. Thời tiết thất thường
Mình về Việt Nam từ cuối tháng 9. Ở Nhật lúc đó đã chớm thu và bắt đầu se lạnh, nhưng lúc về Việt Nam thì vẫn cảm thấy như đang là mùa hè. Ban đầu mình cũng xác định là về Việt Nam thì sẽ nóng hơn và ẩm hơn nên cũng không thấy vấn đề gì cả. Cơ mà về nhà được vài hôm thì thấy đài báo là không khí lạnh tràn về, thế là cũng hớn hở lôi vài cái áo ấm ra treo. Nhưng lạnh được vài hôm thì lại nóng lên, và cứ lặp đi lặp lại cho đến cuối tháng 12. Đến hôm Nô En mà mình vẫn mặc áo mỏng đi ra ngoài đường, trong khi ở Nhật thì lạnh rồi. Thà là trời nó cứ nóng liên tục đến một hôm mát dần rồi lạnh hẳn. Chứ cứ lên xuống thế này cảm giác rất khó chịu lại dễ bị ốm nữa.
2. Đường xóc thôi rồi
Đạp xe ở Nhật êm ru quen rồi, về đây như kiểu được trải nghiệm đạp xe địa hình. Đi xe máy còn đỡ, chứ đạp xe thì cứ xóc lên xóc xuống, hại dạ dày kinh khủng. Xong có hôm đang cao hứng đạp xe đi tập gym thì đến đoạn nhiều ổ gà tự dưng độp phát thủng xăm. Nhìn kĩ thì thấy có nguyên cây đinh cắm vào lốp xe, thế là lủi thủi dắt bộ về nhà rồi đi xe máy. Tính đến đầu tháng 1 này thì xe đạp của mình bị thủng xăm 3 lần. Không biết do đường xấu hay là do lốp lởm, hay là do số nhọ nữa.
3. Tắc đường, cùng với đó là tiếng còi inh ỏi
Hà Nội mình tắc kinh khủng quá! Không phải là giờ cao điểm mà vẫn cứ tắc. Đôi khi tắc do một cái xe tự dưng quay đầu một cách bất thình lình, hay là tắc do có vụ va chạm nhưng mấy cô chú cứ hiếu kỳ đứng lại xem. Đến giờ cao điểm thì chỉ biết thở dài, tự nhủ thôi thì mình đang ở Hà Nội chứ không phải là Nhật. Nhật tuy có lúc tắc nhưng sẽ không bao giờ mất trật tự và lộn xộn như ở Hà Nội.
Và rồi chỉ vì đợi đến đúng đèn xanh mới đi mà bị xe ô tô sau bấm còi inh ỏi, hay đơn thuần thấy đèn vàng thì bắt đầu đi chậm lại thì xe phía sau cứ bấm còi giục chạy. Có lẽ đối với người Việt mình bấm còi nó là một thói quen khó bỏ. Đôi khi chỉ đơn thuần là cái cách để giữ khoảng cách với xe khác tránh va chạm hoặc là thúc giục người phía trước, nhưng có lúc thì có thể là là do muốn… trút giận. Giao thông ở Việt Nam gần như lúc nào cũng trong tình trạng tắc nghẽn, hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau chờ đèn đỏ, và cái cảm giác chờ đợi đấy khiến chúng ta đôi khi mất bình tĩnh mà vô thức sử dụng tiếng còi như là cách để “xả stress”. Mình đọc được một bài viết có đoạn viết rất hay, và có lẽ cũng có vài người đã từng nghe đến câu này.
“…Đèn đỏ còn tận 10 giây, phía sau một loạt nam thanh nữ tú, ông già bà cả thi nhau còi như muốn nói “đi đi, đứng làm gì, cướp tí thời gian đi chứ”. Tôi lại nhớ một câu khẩu hiệu lan truyền trên mạng xã hội “Ai rồi cũng sẽ đi, vậy bạn bấm còi làm gì?”.
Nói gì thì nói, mình thực sự không thích “văn hóa bấm còi” của Việt Nam mình một chút nào.
4. Văn hóa đi thang máy
Ở Nhật lúc đi thang máy, người đứng gần nút bấm nhất sẽ chịu trách nhiệm giữ cửa cho người đi ra, chờ người đi vào, và đôi khi là hỏi họ xem muốn đi lên, xuống tầng nào. Chỉ một hành động đơn giản như thế nhưng đã giúp người đi thang máy tránh gặp phải tình trạng bị kẹt cửa và giúp thang máy lưu thông tốt hơn, cũng như nó là một cách để thể hiện sự quan tâm của mình đối với những người xung quanh. Về Việt Nam thì hầu như không thấy ai giữ hộ nút bấm mở, đóng cửa thang máy. Có hôm mới về Việt Nam mình đi thang máy ở một tòa nhà mà đúng lúc đi vào thì cửa nó đóng thế là bị kẹt một phát. Thêm một vấn đề nữa là khi cửa mở thì theo lẽ thường người ở ngoài phải đợi những người bên trong ra hết rồi mới vào. Nhưng về Việt Nam thì vẫn có những người cứ cố gắng chen vào thang máy trước, mặc cho người bên trong vẫn chưa ra. Giá như mà Việt Nam mình cũng có văn hóa đi thang máy như của người Nhật thì tốt biết mấy.
5. Văn hóa nhân viên - khách hàng
Mình xin lấy việc ngồi cafe làm ví dụ.
Về văn hóa nhân viên, cái này thì mình cũng không hẳn là ghét, chỉ là hơi hụt hẫng khi bước vào cửa hàng vì ở bên Nhật lúc nào cũng sẽ có những tiếng chào “irasshaimase”, “Arigatougozaimashita”, rồi khi mua nước ở starbucks thì nhân viên còn chủ động tiếp chuyện, đôi khi còn viết lên cốc những lời động viên. Cũng may là từ khi về Việt Nam mình đã tìm được một quán cafe mà ở đó nhân viên khá thân thiện và dịu dàng, mà không gian cũng rất yên tĩnh, ấm áp, không ồn ào như mấy cửa hàng ngoài phố như The Coffee House hay Highlands Coffee.
Nói về văn hóa ngồi cafe của người Việt có một điều mình muốn khẳng định là một bộ phận người Việt mình thiếu cái mà người ta gọi là “common sense”, hay tiếng Nhật gọi là “常識”. Dịch sang tiếng Việt thì đại khái là “những suy nghĩ cơ bản, thông thường cần thiết trong cuộc sống”. Lấy ví dụ, một bạn đến cafe thấy cái bàn to đang trống nên ngồi vào. Mình nghĩ là chuyện này nó không sao cả. Vấn đề chỉ xảy ra khi có một nhóm 4 bạn đến cafe và tìm chỗ ngồi, và giả sử quán lúc đó chỉ có đúng cái bàn to mà bạn lúc nãy đang ngồi. Nếu như ở Nhật, và nếu là mình, mình sẽ chủ động nhường cho nhóm bạn ý và tìm chỗ ngồi khác. Nhưng mà ở Việt Nam mình ít khi thấy những điều đó. Tóm lại, cái mình muốn nhấn mạnh ở đây common sense rất quan trọng trong mọi trường hợp. Việc đi thang máy của người Nhật cũng có thể coi là một cái gì đó mang tính “common sense” mà mình nghĩ người Việt cần học tập.
KẾT
Mình nghĩ là sẽ có những người bảo mình “Đấy là do bạn đi du học về, chứ bọn tôi ở nhà thấy bình thường mà”. Đúng là do mình đi du học về, lại còn đi du học Nhật nữa, nên mới cảm nhận được rõ sự khác biệt văn hóa của nước mình và nước Nhật. Các bạn có thể thấy chuyện đó là bình thường, nhưng mình thì không thấy thế cho lắm. Hoặc cũng có thể chính mình đang bị shock ngược văn hóa.
Tất nhiên, đã về sống ở đây rồi thì bắt buộc phải làm quen với cuộc sống ở đây thôi. Mình chỉ muốn viết bài này để những bạn sinh viên đang chuẩn bị về nước nghỉ tết còn biết mà chuẩn bị tinh thần, đặc biệt là những bạn đang học ở Nhật.
Yêu có thì ghét cũng có. Mọi thứ đều phải rõ ràng. Hà Nội tuy có những thứ khiến mình cảm thấy không thoải mái cho lắm, nhưng không có nghĩa là nó xấu hoàn toàn. Hà Nội luôn có những nét đẹp riêng mà chỉ ở đây mới có, từ cảnh vật cho đến con người. Mình mới nói đùa với bạn là: “Cũng phải đi đây đi đó để cảm nhận được vẻ đẹp của Hà Nội, để yêu Hà Nội hơn, chứ không thì trong đầu sẽ chỉ toàn là những thứ khiến mình ghét Hà Nội thôi”.