Người lao động cần phải qua đào tạo đây cũng là một giải pháp nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp…
Người lao động cần phải qua đào tạo
Dù chưa có quy định nào bắt buộc, tuy nhiên việc tuyển dụng người lao động đã qua đào tạo luôn được nhà tuyển dụng ưu tiên, các doanh nghiệp chào đón. Thực tế cho thấy nếu lao động qua đào tạo nghề bài bản sẽ có kỹ năng, ứng dụng công nghệ vào nghề nghiệp cao hơn, thích ứng với các công nghệ tiên tiến khi có sự thay đổi và chính qua những lao động này mà doanh nghiệp tiếp thu được kiến thức khoa học về các lĩnh vực công nghệ mới từ hệ thống đào tạo.
Những tai nạn thường hay xảy ra ở những người lao động chưa được qua đào tạo bởi họ không hề biết các quy phạm an toàn lao động. Tai nạn lao động xảy ra liên tiếp như những năm gần đây hầu hết các nguyên nhân đều xuất phát từ người lao động không được qua đào tạo về tay nghề.
Một số nghề bắt buộc cần qua đào tạo và cấp chứng chỉ bằng cấp
Hiện nay, Một số nghề muốn hành nghề phải bắt buộc qua đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề như lái xe, y tá, dược sĩ…. Điều kiện “cần” và “đủ” để cho người lao động có thể làm việc được ngoài bằng cấp về chuyên môn còn phải có chứng chỉ hành nghề, ví như việc tổ chức thi và cấp bằng lái xe ôtô.
Đối với nghề lái xe sau 3 - 6 tháng học, tổ chức thi tốt nghiệp nếu đạt yêu cầu thì học sinh được cấp chứng chỉ nghề, sau đó học sinh muốn lái xe đi ra đường thì phải trải qua kỳ thì sát hạch để được cấp bằng, có thể hạng B1, B2, C, D, E…tuỳ theo nhu cầu người học…
Sẽ không được tuyển dụng nếu không qua đào tạo
Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục GDNN, thông tin: “Việt Nam hiện có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng chỉ 64,5% qua đào tạo, trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Trong khi đó, tuyển sinh trong GDNN chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Để thay đổi “nghịch lý” người lao động không có kỹ năng, bằng cấp, chứng chỉ vẫn được doanh nghiệp tuyển dụng và có thu nhập gần bằng người phải trải qua 2-3 năm đào tạo, ông Phí Mạnh Thắng, Vụ trưởng vụ Pháp chế - Thanh Tra, Tổng cục GDNN, cho biết: “Hiện nay chúng ta đã có quy định 8 ngành nghề và vị trí công việc bắt buộc người lao động phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nếu muốn được doanh nghiệp tuyển dụng. Sắp tới chúng tôi sẽ trình thêm 22 nghề”.
“Trong tương lai, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển giáo dục nghề nghiệp theo chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, chúng ta chắc chắn phải xây dựng nghị định quy định doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các ngành nghề (khoảng 100) và vị trí công việc, phải tuyển người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc qua các cấp đào tạo GDNN”, ông Thắng bổ sung thêm.