Trường Dục Thanh (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên). Là một ngôi trường ở thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Nơi mà Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ Tịch Hồ Chí Minh) đã từng dạy học từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911.
Là địa danh du lịch nổi tiếng nằm ngay giữa trung tâm của TP Phan Thiết. Bên cạnh dòng sông Cà Ty êm đềm, địa chỉ Trường Dục Thanh là: 39 Trưng Nhị, thuộc phường Đức Nghĩa. Trường Dục Thanh nằm rất gần với chợ Phan Thiết cho nên rất nhiều du khách kết hợp đi tham quan chợ Phan Thiết cùng với ghé trường Dục Thanh.
Bạn sẽ không tốn vé khi đến tham quan ở trường. Nếu bạn đi xe máy đến, thì dựng xe ở phía trước cửa trường. Nếu là khách đoàn muốn có hướng dẫn viên giới thiệu về trường, thì có thể liên hệ với văn phòng bảo tàng Hồ Chí Minh ở phía đối diện trường luôn.
Khu di tích trường Dục Thanh hay còn gọi là Dục Thanh Học Hiệu, Giáo Dục Thanh Thiếu Niên. Là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng lập vào năm 1907. Để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.
Trường Dục Thanh là một cơ sở của Công ty Liên Thành, một tổ chức yêu nước nổi tiếng được thành lập hồi đầu thế kỉ 20. Gồm 3 bộ phận với chức năng: làm kinh tế gây quỹ hoạt động, tuyên truyền và truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước. Và mở trường dạy học cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước, và tiến bộ do các nhà chí sĩ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Trương Gia Mô, Hồ Tá bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ, sáng lập ở Phan Thiết.
Trường Dục Thanh có cấu trúc chính gồm 2 nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, một ngôi nhà lầu nhỏ. Trong phòng học có 2 cái bảng đen phía 2 bên lớp học, và bộ bàn ghế của giáo viên. Khi đó có khoảng 60 học sinh các lớp tư, ba, nhì, nhất với 7 thầy giáo giảng dạy. Nguyễn Tất Thành là thầy giáo giỏi và trẻ nhất, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn.
Cùng với dạy học, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền bá cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước qua từng buổi học. Ấn tượng nhất là phần di tích cũ vẫn còn nguyên vẹn. Giếng nước mát lịm, nhỏ nhắn được xây bằng gạch ở phía sau Ngọa Du Sào. Cây khế cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn 100 năm gần giếng nước vẫn xanh tốt, um tùm hoa lá. Ngoài ra, trong khu di tích Dục Thanh còn nhiều loại cây, như cây si lâu năm và các dãy cây được cắt tỉa gọn gàng.
Tại đây, du khách còn được xem những hiện vật gắn bó với Bác như: bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nghiên mài mực, khay và ly uống nước… Tất cả các hiện vật, cây cối tạo cho ngôi trường cảm giác thân thiện, gần gũi.
Đối diện với trường Dục Thanh, ngay ở bên kia đường chính là bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng nằm ngay bên dòng sông Cà Ty thơ mộng. Nhà bảo tàng được xây dựng bên cạnh khu di tích với kiến trúc mới. Giới thiệu những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Bình Thuận, lòng kính yêu và sự biết ơn của nhân dân Bình Thuận với Người. Quyết tâm phấn đấu đi theo con đường Người đã lựa chọn.
Phía bên ngoài là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi các dân tộc trong tỉnh được xây dựng trước nhà bảo tàng. Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, là công trình lịch sử văn hóa lớn của tỉnh Bình Thuận. Nơi giáo dục truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc Bình Thuận.
Trường Dục Thanh có rất nhiều góc chụp đẹp, được các bạn trẻ yêu thích check in. Thậm chí nhiều bạn trẻ địa phương cũng ghé đến để chụp ảnh cưới, ảnh kỷ yếu. Kiến trúc cổ xưa của Trường Dục Thanh được rất nhiều du khách trẻ yêu thích. Và thể hiện nó qua những tấm ảnh đẹp, một vài góc ảnh đẹp để các bạn tham khảo nhé:
Trường Dục Thanh không đơn thuần chỉ là một ngôi trường bình thường, mà người dân Bình Thuận còn coi nơi đây là cái nôi của tinh thần hiếu học và tình yêu quê hương đất nước. Hàng năm, trường đón tiếp hàng nghìn lượt khách du lịch Phan Thiết trong và ngoài nước đến tham quan và thưởng lãm.
Đọc thêm: Kinh nghiệm du lịch Phan Thiết tự túc
Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/truong-duc-thanh-mui-ne-a66119.html