Ngành kỹ thuật hàng không - Tư vấn định hướng nghề nghiệp

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng không Việt Nam mang đến triển vọng việc làm rộng mở cho ngành Kỹ thuật hàng không, bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Vậy ngành Kỹ thuật hàng không là gì? Hãy tìm hiểu cùng hướng nghiệp GPO nhé.

Tìm hiểu về ngành Kỹ thuật hàng không

Ngành kỹ thuật hàng không

Kỹ thuật hàng không (Aerospace Engineering) là ngành khoa học kỹ thuật chuyên nghiên cứu, phát triển và đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trực tiếp cho máy bay và các phương tiện bay như sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết kế, vận hành các thiết bị hàng không và khai thác tính năng máy bay…

Ngành Kỹ thuật hàng không được phân ra làm hai lĩnh vực chính là:

Kỹ thuật hàng không dân dụng: là chuyên ngành nghiên cứu sâu về các vấn đề như thiết kế, chế tạo, sửa chữa bảo dưỡng… các thiết bị hàng không hoạt động trong phạm vi khí quyển trái đất như: máy bay dân dụng, máy bay chở sách, máy bay quân sự…

Kỹ thuật hàng không vũ trụ: chủ yếu tập trung vào việc nghiên cứu các thiết bị bay ngoài vũ trụ để sử dụng bên ngoài phạm vi khí quyển.

Ngành Kỹ thuật hàng không học những gì?

Thông qua việc học các môn chuyên ngành như: cơ học lưu chất, cơ học vật rắn, sức bền vật liệu, điều khiển tự động, sinh viên học ngành Kỹ thuật hàng không được trang bị kiến thức về khoa học cơ bản, kỹ thuật cơ khí, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, đủ năng lực áp dụng kiến thức để vận hành, bảo dưỡng, thiết kế và triển khai các hệ thống, thiết bị liên qua đến Cơ khí hàng không. Ngoài ra, sinh viên được chú trọng đào tạo những kỹ năng chuyên ngành quan trọng phục vụ cho quá trình làm việc như kỹ năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo, khả năng làm việc dưới áp lực, kỹ năng sử dụng các phần mềm chuyên ngành đặc biệt…

Tiềm năng phát triển

Ngành kỹ thuật hàng không

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất toàn cầu với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của toàn châu Á. Thực tế cho thấy, tính đến nay, nước ta có 5 hãng hàng không lớn là hãng hàng không quốc gia - Vietnam Airline, Jetstar Airline, Vietjet Airline, Bamboo Airway và Vasco. Cùng với đó là hơn 71 hãng hàng không quốc tế hiện đang được khai thác hơn 140 đường bay, kết nối Việt Nam với hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của ngành hàng không trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã mang đến những cơ hội và triển vọng việc làm hấp dẫn cho lĩnh vực kỹ thuật hàng không, bảo trì, bảo dưỡng máy bay.

Cơ hội phát triển

Với tiềm năng phát triển của thị trường vận tải hàng không trong nước, các kỹ sư sau khi tốt nghiệp… có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc. Cụ thể: • Kỹ sư kỹ thuật hàng không, chuyên viên thiết kế, bảo dưỡng, sửa chữa kỹ thuật hàng không tại các sân bay trên cả nước, các hãng bay hay các công ty kỹ thuật hàng không… • Chuyên viên nghiên cứu, kỹ sư thiết kế, chế tạo làm việc tại các sân bay trên cả nước, các hãng bay, công ty thiết bị bay - hàng không hay các viện nghiên cứu… • Giảng viên giảng dạy tại các trường đại học đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hàng không

Mức lương trung bình

Có thể nói, thu nhập từ các công việc trong lĩnh vực Hàng không luôn ở mức hậu hĩnh. Theo số liệu thống kê của trang Glassdoor, năm 2021, mức lương trung bình của một Kỹ sư Kỹ thuật hàng không khoảng 80.000 USD/năm tương đương 1 tỷ 840 triệu VNĐ. Thậm chí, tùy vào trình độ, vị trí cũng như kinh nghiệm làm việc mức thu nhập có thể lên đến 101.000 USD/năm tương đương 2 tỷ 323 triệu VNĐ. Tại Việt Nam, theo khảo sát mức thu nhập từ các hãng bay, mức lương ngành Kỹ thuật hàng không được đánh giá tương đối cao so với mặt bằng chung các ngành khác. Trung bình mức lương của các Kỹ sư Kỹ thuật hàng không luôn đạt con số hấp dẫn từ 20 - 30 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, con số này có thể cao hơn rất nhiều với các vị trí chuyên sâu về chế tạo và nghiên cứu hay các vị trí quản lý.

Khó khăn, thách thức trong ngành

Tuy nhiên, đằng sau những cơ hội, lợi thế ấy, các kỹ sư ngành Hàng không đã và đang phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc của mình.

• Cạnh tranh cao: Để trở thành một kỹ sư ngành hàng không, bạn phải trải qua một quá trình tuyển dụng vô cùng khắc nghiệt. Bên cạnh đó nhu cầu nhân sự chất lượng cao ngày càng tăng, đòi hỏi bạn phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường.

• Áp lực làm việc: Cùng với những đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn, kỹ sư kỹ thuật hàng không còn phải đảm bảo trạng thái tập trung 100% trong quá trình làm việc, nghiên cứu bởi chỉ một sự cố xảy ra, dù là rất nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của mọi người trên chuyến bay.

• Áp lực từ sự đổi mới công nghệ: dòng chảy của khoa học - kỹ thuật sẽ luôn không ngừng đổi mới. Thế nên, để có thể cạnh tranh và phát triển theo xu thế chung, kỹ sư ngành hàng không buộc phải tự tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức… nếu không muốn bị tụt hậu vào đào thải.

Một số cơ sở đào tạo

Từ nhiều năm trở lại đây, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã bắt đầu đào tạo chương trình kỹ thuật hàng không hệ đại học nhằm đón bắt nhu cầu mới của thị trường lao động tiềm năng này. Nổi bật, phải kể đến: • Học viện Hàng Không • Học viện Phòng không - Không quân • Đại học Bách Khoa Hà Nội • Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội • Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM • Học viện Kỹ thuật Quân sự

Lời kết

Có thể nói, Kỹ thuật hàng không là ngành học đầy triển vọng trong tương lai nhưng cũng tiềm ẩn không ít khó khăn thách thức. Với những thông tin trên, Hướng nghiệp GPO hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về ngành Kỹ thuật hàng không và đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Chúc bạn thành công.

Giang Giang

>> Xem thêm:

Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/muc-luong-cua-nganh-ky-thuat-hang-khong-a66145.html