Nói ý tưởng này là của tôi là một thái độ hết sức không chuyên nghiệp, rất trẻ con. Một chiến dịch quảng cáo được làm nên từ công của gần cả trăm người. Tất cả những ý tưởng bạn nghĩ ra, đâu đó ở Việt Nam hay trên thế giới đã có nhiều người nghĩ đến rồi. Đó không bao giờ là ý tưởng của bạn. Ý tưởng này là của chúng mình.
Để nói về cuốn sách “Ý tưởng này là của chúng mình”, mình nghĩ rằng cuốn sách là một sự kết hợp kì lạ, đầy bất ngờ và cũng rất thú vị. Cuốn sách này không phải là một cuốn sách định hướng nghề nghiệp, càng không đơn thuần chỉ là những mẫu chuyện của tác giả xoay quanh cuộc sống với quảng cáo, với nghề copy writer. “Ý tưởng này là của chúng mình” là một cuốn sách mà những lúc rảnh rỗi, những lúc buồn bã, hay vui vẻ bạn đều có thể lấy ra đọc. Bạn không cần phải đọc từ đầu đến cuối, vì chẳng có một thứ tự gì cả, bạn chỉ cần giở một trang bất kì, và sẽ thấy điều mà mình tìm kiếm. Một câu chuyện khiến bạn bật cười nhưng đồng thời cũng sẽ khiến bạn suy nghĩ, đó là điều mà mình tin rằng khiến cho “Ý tưởng này là của chúng mình” có một sức cuốn hút đặc biệt.
Lần đầu tiên đọc, mình chỉ muốn tìm hiểu thêm về quảng cáo, về marketing, nhưng những gì mình học được còn hơn thế nhiều. Cứ như thể mình nhìn cuốn sách qua một lăng kính khác, đầy sống động và màu sắc.
Thế giới sáng tạo là như thế nào? Copy writer cần làm những gì? Những vui buồn trong ngành quảng cáo? Brainstorm? Creative? Tất cả những câu hỏi của mình đã được cuốn sách “Ý tưởng này là của chúng mình” giải đáp ở 1 khía cạnh không kém phần bất ngờ và thú vị!
Quảng cáo là gì?
Cuốn sách này sẽ không cho bạn một định nghĩa rõ ràng về quảng cáo, nhưng những mẩu chuyện vui buồn trong ngành có thể đem lại cho bạn nhiều cảm xúc và góc nhìn rõ ràng hơn chỉ là những định nghĩa hời hợt. Mình đã từng nghĩ về quảng cáo và thích thú muốn thử sức ở lĩnh vực này vì mong muốn sản phẩm mà nó tạo ra, muốn được nhìn những quảng cáo TV, poster của mình thật chất, thật khác biệt. Nhưng cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn thấy để có được những thảnh quả đó là cả một quá trình dài, khó khăn và không phải cứ muốn là được.
Copywriter sẽ làm những gì?
Nghĩ ý tưởng chủ đạo cho chiến dịch quảng cáo
Viết rationale: những lý do chứng tỏ ý tưởng này là kinh thiên động địa và các marketer nên mua ngay lập tức
Thuyết trình bảo vệ ý tưởng trong cuộc họp
Viết headline, sub headline, body copy
Viết kịch bản TVC
Tham gia giám sát buổi quay TVC
Viết kịch bản radio
Viết các thể loại như Facebook status, Forum, Web Banner,..
Đặt tên
Viết brochure, tờ rơi
Viết lời bài hát, đồng dao, vè,..
Dịch
Kiểm tra lỗi chính ta
Nói tóm lại: Nghĩ ý tưởng. Viết nó ra. Bán nó. Sửa nó theo phản hồi của khách hàng. Vòng lặp chỉ đơn giản vậy thôi!
Quảng cáo có cần học hay không?
Nhiều người nói rằng quảng cáo đâu cần phải học, quảng cáo là cuộc sống mà, cứ để ý, cà phê chém gió là ok! Nhưng có thật quảng cáo chỉ đơn giản như vậy. Có một điều bạn cần ghi nhớ khi dấn thân vào ngành quảng cáo:
Từ một insight biến nó thành ý tưởng quảng cáo. Từ ý tưởng chủ đạo đẩy nó ra thành chiến dịch 360 độ, phủ ngập mặt người tiêu dùng, chạy đâu cho thoát! Ý tưởng trên TV thì vậy, nhưng trên báo phải thế nào cho phù hợp. Câu slogan đó phải biến chuyển thế nào cho phù hợp với banner web. Trên radio, không có hình ảnh hỗ trợ thì ý tưởng của mình phải nói kiểu gì. Hình ảnh chủ đạo thể hiện ra sao khi triển khai ở các sự kiện… Đó là nghề.
Và hãy luôn nhớ rằng: Good Advertising Human = Good life expectancy + Good career knowledge
Những ảo tưởng gặp phải khi mới vào nghề?
Là sinh viên năm cuối chân ướt chân ráo vào ngành quảng cáo, bạn mơ mộng, khao khát thay đổi, cảm thấy quảng cáo nước nhà sao mà nhàm chán quá, Bạn thấy mình không tệ, ý tưởng của bạn đều thuộc dạng khá ở trường. Thế vậy mà:
Đến lúc brainstorm, đầu óc bạn trống rỗng, ý tưởng nghĩ ra một là ngớ ngẩn, hai là quá nhỏ bé so với ý tưởng của các cao nhân cùng công ty. Lúc này, bạn có thể nghĩ rằng bản thân mình không sáng tạo như mình nghĩ, ý tưởng của mình dở ẹc. Những lúc như vậy, hãy tin tưởng ở chính mình, hãy bỏ qua những lời phê bình, hãy nhớ:
Mỗi lần ý tưởng loại bỏ một cơ hội mới để những ý tưởng lớn hơn ra đời. Làm việc trong ngành quảng cáo bạn phải quen với việc ý tưởng bị giết hàng ngày. Nhưng bạn không sợ, không được nản mà phải đứng dậy đi tiếp. “Tôi không thất bại, tôi đã tìm ra 10 000 giải pháp chưa hiệu quả chứ đùa à” (Thomas Edison)
Và nếu như bạn vẫn cảm thấy không ổn, thì hãy tự hỏi mình “Mình đã đến đúng nơi chưa”, sở thích của mình có hợp với những công việc mà Agency đang làm, quảng cáo có nhiều lĩnh vực nên hãy nhớ xem bạn thích làm loại quảng cáo gì và xem mình đã đến đúng nơi chưa. Và “Mình đã gặp đúng người chưa” , mỗi công ty quảng cáo có style riêng nên hãy chắc chắn bạn chọn đúng công ty phù hợp với mình. Quan trọng nhất đừng bỏ cuộc:
Không được để trái tim mình xám ngoét, bạn chưa có tuổi trẻ bão lửa để kể lại, chưa trở thành nhân vật từng trải qua thời hoàng kim rồi tuột dốc nhưng vẫn tiếp tục đứng lên, chưa chứng kiến nhiều ý tưởng mệt mỏi và nhàu nhĩ qua nhiều can thiệp để cuối cùng không còn nhận ra hồn phách ban đầu, thì bạn không được phép bỏ cuộc.
Những điều học được từ ngành quảng cáo?
Bạn khao khát sáng tạo, bạn nghĩ sáng tạo thú vị, bạn muốn tạo ra những sản phẩm chất riêng của bản thân. Đây là một số bài học mà mình học được từ “Ý tưởng này là của chúng mình”.
Muốn sáng tạo, phải trải nghiệm. Bạn thất tình, không ai viết về cô đơn hay bằng bạn, bạn thất nghiệp, bạn sẽ hiểu được cảm xúc của những người làm công ăn lương, bạn sẽ viết được về các đề tài nghề nghiệp, công việc,.. Chỉ khi trải qua, bạn mới hiểu được, câu văn mới trở nên mượt mà và cảm xúc hơn.
Mọi cảm xúc đều là vô giá. Hãy đi đến cùng những khoảnh khắc ấy để tứ văn thêm mặn mà chất sống.
Work hard. Play hard. Đừng đợi đến khi lớn hơn, có nhiều kinh nghiệm ở những công ty nhỏ rồi mới ứng tuyển vào những công ty lớn. Làm ở công ty nhỏ, công việc nhẹ nhàng hơn nhưng kinh nghiệm bạn thu lại chẳng là mấy. Đến khi vào công ty lớn cũng hú hồn không thể theo kịp, trong khi những bạn trẻ hơn mình có thể làm tốt hơn vì đã vào những công ty lớn từ đầu. Trong cuốn sách, tác giả chia sẻ lời khuyên từ một người sếp mà mình rất thích:
Khi em còn hai mươi mấy tuổi, em phạm mấy lỗi kiểu này thì được, người ta sẽ tha thứ cho em. Nhưng khi em ba mươi mấy tuổi rồi, phạm lỗi là chúng nó xử ngay! Không phải vì em ngu mà đơn giản những lỗi đó trước đây em chưa phạm, đây là lần đầu.
Đừng trông mong vào ngành quảng cáo có thể tạo ra những sản phẩm mang chất riêng của mình. Nói gì thì nói, thế của người làm quảng cáo là service, mình chỉ mang đến cho họ những giải pháp truyền thông tốt nhất mà mình có. Họ chọn hay không chọn là phụ thuộc vào quyết định của các bạn Marketer. Vậy thôi, đừng đặt cái tôi quá nhiều trong công việc, cứ xem nó như nghề nuôi sống bản thân bình thường.
Và những điều đáng yêu khác:
“Sáng tạo không có gì ghê gớm, chỉ là cách làm khác để đỡ chán thôi.”
“Yêu ý tưởng thì dễ cứng nhắc lắm, chỉ nên yêu những vui buồn khi làm ý tưởng thôi.”
“Sáng tạo bằng ít công cụ nhất càng tốt. Càng nhiều công cụ, càng bị cầm tù.”
“Sáng tạo là bắt tay làm những thứ chẳng có gì sáng tạo.”
“Không viết thì thôi, đã viết thì phải viết đến tận xương. Đừng viết chỉ để viết.”
Lời kết:
Ngành quảng cáo, đem lại cho bạn cơ hội, tiền bạc nhưng cũng lấy mất đi thời gian cho bạn bè, người thân nhưng nếu bạn đã lỡ đem lòng yêu ngành quảng cáo, nếu bạn mong muốn tìm hiểu về thế giới sáng tạo này thì “Ý tưởng này là của chúng mình” là một lựa chọn hoàn hảo, chào mừng đến với thế giới quảng cáo!
Tác giả: Hoàng Phương - Bookademy
-
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: p[email protected]
Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/review-y-tuong-nay-la-cua-chung-minh-a66536.html