Hít bóng cười có vi phạm pháp luật không?

Trả lời:

Bóng cười hay còn được gọi là "funky ball" là loại bóng được bơm đầy bởi hợp chất hóa học N2O (dinitơ monoxit hay nitrous oxide). Loại bóng này được giới trẻ sử dụng như một thú vui, khi "hít - thổi" khí N2O sẽ tạo cảm giác hưng phấn, ảo giác và gây cười cho người sử dụng.

Hít bóng cười có vi phạm pháp luật không? - 1

Nhiều bạn trẻ dùng bóng cười trong các buổi tiệc tùng, thậm chí còn quay, chụp lại và đăng lên mạng xã hội (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, thú vui tưởng chừng bình thường này lại ẩn chứa nhiều nguy hại đối với người sử dụng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc hít bóng cười ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, tim mạch cũng như nếu lạm dụng chất này lâu ngày sẽ dễ đi đến sử dụng các chất gây nghiện khác. Bởi lẽ, khi đã chìm đắm trong "cơn phê" của N2O thì người dùng rất có khả năng muốn tìm đến các "cơn phê" mạnh hơn từ các chất kích thích khác.

Hít bóng cười có vi phạm pháp luật không?

Đối chiếu với quy định tại Điều 1 Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất thì "bóng cười" hay khí N2O không được xác định là ma túy hoặc tiền chất nên chưa bị cho là cấm. Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng chưa quy định người hút bóng cười là tội phạm.

Tuy nhiên, N2O là hợp chất đều bị hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức sản xuất, mua, bán cho người khác mà không có sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền và không tuân thủ các quy định về việc quản lý, sử dụng hợp chất này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp.

Có nên đưa "bóng cười" vào danh sách cấm sử dụng?

Hiện nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đang phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động nắm tình hình, xác định thực trạng sử dụng "bóng cười" và các chất hướng thần mới ở trong nước. Tham khảo quy định của Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước trên thế giới về các chất này để đề xuất giải pháp khả thi phòng, chống sử dụng "bóng cười", tránh gây ra những hậu quả khôn lường trong giới trẻ nói riêng, xã hội nói chung.

Từ những căn cứ nêu trên, có thể thấy rằng, việc sử dụng bóng cười chưa được coi là vi phạm pháp luật tại thời điểm hiện nay. Song, không vì vậy mà một số bộ phận trong xã hội có thể cổ xúy cho hành vi sử dụng hợp chất N2O này. Trách nhiệm chung tay xây dựng lối sống lành mạnh thuộc về mỗi cá nhân, do vậy, hãy tránh xa "bóng cười" trước khi nó gây ra những hệ lụy nguy hại cho bản thân và những người xung quanh.

Nguyên Thảo

Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/thoi-bong-cuoi-a66802.html