iDesign | Trần Uy Đức - ‘Mình trưởng thành từ thực hành âm nhạc thể nghiệm’

“Người thể nghiệm đơn thuần chỉ muốn bày tỏ, tự sự bất kể điều gì, một cách thành thật nhất. Có lẽ bài nhạc thể nghiệm không nhất thiết phải nghe đi nghe lại - trải nghiệm này có thể dành cho một lần và dành cho tất cả” - Uy Đức bày tỏ.

Âm nhạc là một thứ tuyệt diệu gì đó được tạo ra trong cuộc sống, nhờ nó mà mình có những cảm hứng học tập tốt hơn khi làm về thiết kế sáng tạo. Thể loại âm nhạc gần đây mà mình thích thú có tên là ‘âm nhạc thể nghiệm’. Và trùng hợp thay, mình có một câu chuyện muốn kể về người mà mình đã gặp lại sau 3 năm. Sự tình cờ này xảy ra khoảng năm 2019, đó là cuộc gặp gỡ ‘ảo’ tại một cuộc thi về Nghệ thuật - sáng tạo với chủ đề ‘góc nhìn’ trên mạng xã hội. Mình đã biết đến Trần Uy Đức - người theo đuổi âm nhạc thể nghiệm mà mình sẽ chia sẻ sắp tới đây.

Uy Đức cùng mình lọt vào top 10 tác phẩm tiêu biểu nhất: lúc này mình tham gia với dự án thiết kế áp phích và anh làm về ‘phim thể nghiệm’. Giờ đây thì chúng mình lại có những mối quan tâm chung: anh làm về âm nhạc thể nghiệm, còn mình thì tìm hiểu thêm về thể loại này…

Trần Uy Đức: ‘Mình làm nhạc cùng chiếc máy tính card đồ họa lỗi thời’

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, chàng trai sinh năm 2003 đang theo học tại một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh thực hành về nghệ thuật đa chất liệu, tập trung vào ba mảng âm nhạc, trình diễn và video. Uy Đức có lẽ đã sớm muốn thực hành nghệ thuật từ khi biết tới âm nhạc thể nghiệm. Tuổi dậy thì, những tò mò giới tính và niềm yêu thích chuyển động cơ thể sớm chớm nở. “Từ lâu mình hay ảo tưởng rằng có ai đó sẽ có thể làm nhạc cho mình, để mình hát theo, nhảy múa theo, rồi còn quay luôn cho mình” - Anh chia sẻ. “Sau đó thì đương nhiên mình thôi ảo tưởng, nghĩ tới việc bắt đầu tự học làm nhạc, học làm video…”

Trần Uy Đức (ở giữa) - Hình ảnh trích từ MV Catwalk chuẩn bị ra mắt 2022

Vắt kiệt một chiếc PC có card đồ họa lỗi thời để thực hiện nhiều sản phẩm nghệ thuật, Uy Đức bộc bạch: “Mình đã nghĩ vì không có tiền thuê một phòng thu nhạc hay một đội ngũ sáng tạo nên mình phải tự học thật nhiều, dịch sách, kiếm tiền mua máy tính rồi tự làm cho đúng ý. Có thể độc lập hỗ trợ bản thân trong công việc sáng tạo là điều tuyệt vời nhất.”

Anh chàng từng làm đạo diễn cho những sản phẩm, dự án phim độc lập. Gần cuối năm 2019, video nghệ thuật ‘Knot Enough‘ của anh được ra mắt trong một triển lãm về nữ quyền. Tiếp sau đó từ năm 2020 đến 2021 là những dấu mốc về âm nhạc với hai album ra mắt lần lượt ‘100 BROKEN DREAMS‘, ‘Came‘.

Phim nghệ thuật đầu tay ‘Knot Enough’ của Trần Uy Đức
Ảnh hậu trường dự án ‘Knot Enough’, 2018

Kể từ album đầu tay solo ‘100 BROKEN DREAMS‘, anh được nhóm nhạc Rắn Cạp Đuôi - nhóm nhạc thể nghiệm cũng là đàn anh, đàn chị ở Việt Nam biết đến. Anh chàng kể lại: “Họ đã kết nối mình tới Long Trần, nhà sản xuất chính của Pilgrim Raid và Mona Evie. Mình rất biết ơn Rắn Cạp Đuôi vì cuộc hội ngộ đó, nó có ý nghĩa quan trọng với album thứ hai của mình ‘Came’, một album có sự góp mặt của Lý Trang, Phạm Thế Vũ, và Zach Sch đến từ Rắn Cạp Đuôi, Long Trần - nhà soạn nhạc của ca khúc highlight ‘Banal’ và Vương Thiện ‘Mona Evie’ đã remix ca khúc đó”. Các tác phẩm của anh được triển lãm và trình chiếu ở trong và ngoài nước và album thứ 2 ‘Came’ được Pitchfork (một chuyên trang đánh giá âm nhạc trên thế giới) chấm 7.5 điểm. Anh cũng từng trình diễn ở Viện Văn hóa Pháp (‘Bóng bay Đỏ - Âm nhạc cho hoạt hình Việt Nam thế kỷ XX), Viện Đức và VCCA (Vở múa đương đại L’EGO)…

Ảnh bìa album âm nhạc đầu tay (100 BROKEN DREAMS), 2/2020

Experimental music (tạm dịch: âm nhạc thể nghiệm) - thể loại khá mới, chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Âm nhạc thể nghiệm kết hợp những âm sắc nguyên bản, nó xáo trộn, kỳ quặc, tính thể nghiệm trong thể loại này không theo khuôn khổ nhất định, không được biết trước, mang tính may rủi và thay đổi…

Phổ biến vào thế kỷ XX, John Cage là một trong những nhà soạn nhạc, nhà lý luận thực hành nổi bật về thể loại này. Điều bất ngờ khi mình mới vừa bắt đầu học thiết kế đồ họa, được học về phong trào nghệ thuật, trong đó có phong trào văn hóa Dada. Dada được biết đến qua các tác phẩm mang sự nổi loạn, đi ngược với văn hóa của các nghệ sĩ. Sản phẩm nghệ thuật thể hiện qua thiết kế, vẽ vời, thơ ca, phim, âm nhạc… Và âm nhạc thể nghiệm - một trong những thể loại nằm trong hoạt động nghệ thuật thời kỳ đó, có cả sự tham gia của John Cage. Cá nhân mình hay gọi vui mấy thứ mình cho là kỳ lạ, khác biệt là ‘thể nghiệm’ như phim thể nghiệm, âm nhạc thể nghiệm hay điều gì đó thể nghiệm nằm trong ngoặc kép…

Hình ảnh về John Cage đang chuẩn bị một cây đàn piano, vào năm 1947. Ảnh của Irving Penn / © 1947

Mình ‘thể nghiệm’ nhạc và âm nhạc ‘thể nghiệm’ mình

Như đã kể ở phần mở, mình gặp lại Trần Uy Đức và phần bất ngờ về mối quan tâm chung này. Trước đó, mình chưa hề biết về anh nhiều và nếu có biết thì với góc nhìn của mình: tác phẩm video nghệ thuật của anh chàng khá ‘kỳ quặc’ trong cuộc thi dạo ấy.

Chia sẻ với mình và iDesign, Uy Đức cảm thấy rất biết ơn và phấn khích về việc ‘âm nhạc thể nghiệm’ càng ngày được tiếp cận đến nhiều người. Với anh, âm nhạc như thể nghiệm (thử thách) bản thân và bản thân cũng đang thể nghiệm (thử nghiệm) âm nhạc. “Người thể nghiệm đơn thuần chỉ muốn bày tỏ, tự sự bất kể điều gì, một cách thành thật nhất. Có lẽ bài nhạc thể nghiệm không nhất thiết phải nghe đi nghe lại - trải nghiệm này có thể dành cho một lần và dành cho tất cả” - Uy Đức bày tỏ.

Hai dự án âm nhạc trước đó của Uy Đức có một ý nghĩa quan trọng với anh, nó như hai lần tổng kết đánh dấu những phần đáng nhớ của tuổi cấp ba. Ở album thứ hai, anh trải qua việc kết hợp khác nhau với nhiều người và đặc biệt trong khoảng thời cách ly toàn xã hội. “Cả nhóm cùng làm MV (music video: video ca nhạc), viết kịch bản, tìm diễn viên, thiết bị quay, tất cả đều qua mạng. Còn Came được master (tạm dịch: chuẩn hóa) bởi Zach Sch, một thành viên của Rắn Cạp Đuôi và được ra mắt sau khi mình đi tiêm vắc xin mũi thứ 2 về.” - Uy Đức kể lại.

MV Banal ft. Pilgrim Raid - trích trong album Came 2021

Anh chia sẻ thêm: “Trong năm 2021, đã có những album nhạc thể nghiệm của Việt Nam với đại diện là Rắn Cạp Đuôi, Pilgrim Raid, của mình và sau đó là Mona Evie, đã có thể đối thoại được hoặc thoát ly thành công khỏi cái hiện trạng của cái năm nhiều biến động đó. Có lẽ vì vậy, khán giả dạo gần đây đã dành nhiều sự quan tâm và ‘cảm tình’ cho âm nhạc thể nghiệm hơn.”

Album Came và chiêm nghiệm tuổi 18

Came hay còn có ý nghĩa là ‘đã đến’ (Uy Đức giải thích) - những sự kiện, điều bất ngờ, lường trước hay không lường trước: tình yêu, tai ương, đại dịch đến… Một anh chàng 18 tuổi trước những bất ổn của cuộc sống và dùng âm nhạc để soi chiếu những trải nghiệm của bản thân. Theo phân tích của chuyên trang âm nhạc Pitchfork khi bàn về album. Came được mô tả như một bộ sưu tập: vừa xám xịt nhưng lại đa sắc; vừa chói tai nhưng đẹp đẽ, hoa mĩ và vừa lạnh nhạt nhưng gọi mời. Uy Đức dường như ảnh hưởng bởi công việc nghệ thuật điêu khắc kim loại của ba mình: “Hàng ngày, mình làm bạn với tiếng thô sơ của kim loại”. Hơn 30 giây dạo đầu của album là tiếng hú kim loại bị bào mòn kết hợp chất liệu âm nhạc điện tử một cách thô sơ, nguyên bản. Các bài hát được Pitchfork phân tích rất kỹ càng từ lý do tại sao chúng lại xếp theo cạnh nhau, từng chất liệu, cảm hứng âm nhạc được dùng trong từng bài nhạc như thế nào.

Ảnh bìa album âm nhạc thứ 2 ‘Came’

“Bài ‘Three’ kết hợp nhịp điệu cùng giọng hát đã qua xử lý. ‘Got’ tấn công dồn dập người nghe được đặt cạnh ‘louche’ bản guitar nhẹ nhàng. Hay ‘catwalk’ có thể dùng cho nền nhạc cho sàn diễn. Interlude A - Laura phản ánh về cuộc tình chia tay dù không đề cập trước đó. Và ‘coop’ của anh kết hợp với Phạm Thế Vũ từ Rắn Cạp Đuôi giải phóng một sự ồn ào, đầy phấn khích trước khi kết thúc bằng tiếng hát yên ắng và thân mật. Dù là âm thanh hay cảm xúc nào mà cậu ấy trải qua, Uy Đức luôn xem nó là thứ bên trong mình, và rồi từ đó tách cái đẹp rồi cái lạ ra khỏi sự hỗn loạn, đôi khi là cả hai cùng lúc.” - Tạm dịch và viết lại từ phân tích của Pitchfork.

Khi được hỏi cảm nhận khi được Pitchfork biết đến, anh khiêm tốn trả lời: “Mình không kỳ vọng Pitchfork sẽ biết tới mình hay sự ra mắt của album. Một phần mình cảm thấy rất may mắn, một phần mình sợ chính mình và dư luận sẽ trở nên mong manh không cần thiết trước điểm số của người phương Tây. Sau tất cả, mình muốn khán giả yêu nghệ thuật ở Việt Nam sẽ cởi mở và quan tâm nhiều hơn tới những cái hay, cái lạ ở trong chính nước mình mà không cần phải thông qua báo chí nước ngoài. Không chỉ nhạc thể nghiệm, Việt Nam cũng có nhiều nhà làm phim thể nghiệm, video nghệ thuật độc lập tài giỏi cùng với nhiều gương mặt hay ho đang thực hành nghệ thuật đa phương tiện giống mình nữa.”

Trong tương lai, bên cạnh việc tiếp tục với thể nghiệm trên nhiều chất liệu, anh chàng cũng tìm cách cân bằng giữa tính cá nhân và thính giả ‘tiêu chuẩn’ bằng những demo (tạm dịch: bản dùng thử) trên nền tảng SoundCloud hay trình diễn trực tiếp đến với cộng đồng. “Mình nghĩ album Chó ngồi đáy giếng của nhóm nhạc Mona Evie là một album rất đáng nghe với những bạn mới bắt đầu với âm nhạc thể nghiệm. Trong khuôn khổ âm nhạc, album này là một tiêu biểu cho nỗ lực cân bằng giữa ‘tiêu chuẩn’ và ‘thể nghiệm’ ở Việt Nam.” - Anh chàng hào hứng chia sẻ!

Ảnh collage Museum do Trần Uy Đức thực hiện - một phần của triển lãm trực tuyến Boston Gallery năm 2020
Tranh vẽ bìa album ‘Rắn Cạp Đuôi’ do Trần Uy Đức thực hiện
Tranh vẽ Acrylic khổ lớn: Trâu Mới năm 2021 do Trần Uy Đức thực hiện

Ghi chú: Bài viết của mình được thực hiện trong khoảng thời gian năm 2022 với những trải nghiệm cá nhân cũng như chia sẻ từ nhân vật. Vì vậy đây là thông tin chỉ đúng trong thời điểm hiện tại, rất vui vì được chia sẻ bài viết này với quý độc giả của iDesign.

Thực hiện: Lê Quan Thuận

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật

Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/nhac-nghiem-a67199.html