Triệt sản cho mèo không chỉ là sự lựa chọn, mà còn là trách nhiệm của mỗi người chủ yêu thương thú cưng. Đây là một quyết định quan trọng và cần thiết mang đến cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn cho mèo và góp phần xây dựng cộng đồng nuôi thú cưng văn minh. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong cẩm nang A-Z về triệt sản cho mèo (mèo đực & mèo cái) sau đây.
Triệt sản cho mèo là một thủ thuật phẫu thuật nhằm loại bỏ cơ quan sinh sản của mèo và ngăn chặn khả năng sinh sản của chúng vĩnh viễn.
Đối với mèo đực, triệt sản được gọi là thiến. Bác sĩ thú y sẽ rạch một hoặc hai đường mổ nhỏ ở bìu (túi da nằm bên ngoài cơ thể, chứa tinh hoàn) và loại bỏ hai tinh hoàn. Thủ thuật triệt sản mèo đực tương đối đơn giản, thời gian phục hồi thường chỉ mất vài ngày. Đối với mèo cái, triệt sản được gọi là phẫu thuật cắt buồng trứng và tử cung. Bác sĩ thú y sẽ rạch một đường mổ nhỏ ở vùng bụng, sau đó loại bỏ buồng trứng và tử cung. Phẫu thuật phức tạp hơn so với mèo đực; do đó, thời gian phục hồi cho mèo cái sau triệt sản lâu hơn, có thể kéo dài từ 10-14 ngày.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư: Triệt sản trước 1 tuổi có thể giảm đến 90% nguy cơ mắc ung thư vú - một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất ở mèo cái. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng và viêm tử cung cũng được loại bỏ do triệt sản cắt bỏ hoàn toàn cơ quan sinh sản. Ngoài ra, ở mèo đực, triệt sản gần như loại bỏ nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn và các bệnh về tuyến tiền liệt.
Kéo dài tuổi thọ: Theo nghiên cứu của Banfield Pet Hospitals trên 460.000 cá thể mèo cho thấy mèo cái được triệt sản có tuổi thọ trung bình cao hơn 39% so với mèo cái không triệt sản. Tương tự, mèo đực triệt sản sống lâu hơn 62% so với mèo đực không được triệt sản.
Giảm stress và tăng cường hệ miễn dịch: Triệt sản giúp cân bằng nội tiết tố thông qua việc loại bỏ các hormone sinh dục, từ đó giảm stress và tăng cường hệ miễn dịch cho mèo. Mèo đã được triệt sản cũng có xu hướng thích nghi và đối phó với stress từ môi trường tốt hơn.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm: Triệt sản làm giảm ham muốn giao phối, điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục (như FIV, FeLV) ở mèo.
Giảm nguy cơ chấn thương: Mèo đã được triệt sản thường ít có xu hướng đi lang thang, gây gổ và giảm 90% các hành vi hung hăng. Điều này giúp giảm nguy cơ gặp tai nạn giao thông, rủi ro trong lúc đánh nhau, và các chấn thương khác.
Hạn chế hành vi đánh dấu lãnh thổ: Triệt sản giúp giảm hành vi đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu ở mèo đực. Triệt sản càng sớm (thời gian tiếp xúc với hormone sinh dục càng ngắn) thì khả năng đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu ở mèo đực càng thấp.
Cải thiện tính cách ở mèo: Mèo sau triệt sản thường trở nên thư giãn, dễ chịu và dễ bảo hơn. Chúng dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trong nhà do không còn bị thôi thúc bởi nhu cầu tìm kiếm bạn tình. Triệt sản cũng góp phần giảm thiểu hành vi gây gổ và đánh nhau, đặc biệt ở mèo đực do không còn chịu ảnh hưởng của hormone testosterone.
Mèo đã triệt sản thường ít hiếu động hơn và có xu hướng giảm các hành vi phá hoại. Việc triệt sản cũng góp phần hạn chế hành vi leo trèo và phá phách đồ đạc do nhu cầu tìm kiếm bạn tình đã không còn.
Giảm tiếng kêu gào ở mèo cái: Chu kỳ động dục ở mèo cái đã được loại bỏ, do đó làm giảm đáng kể các hành vi liên quan như kêu gào để thu hút bạn tình. Mèo cái sẽ không còn biểu hiện đi lại nhiều, kêu gào liên tục khi bước vào chu kỳ động dục.
Giảm thiểu chi phí y tế: Triệt sản làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng về sinh sản. Hơn nữa, mèo chưa triệt sản có xu hướng đi lang thang, đánh nhau để tìm bạn tình, dễ dẫn đến chấn thương. Triệt sản giúp kiểm soát hành vi này, giảm thiểu rủi ro và chi phí điều trị bệnh lý ở mèo.
Kiểm soát sinh sản: Mèo có khả năng sinh sản rất nhanh, việc chăm sóc nhiều lứa mèo con gây áp lực lớn về tài chính. Triệt sản là giải pháp tối ưu để kiểm soát số lượng mèo, giúp giảm thiểu chi phí thức ăn, cát vệ sinh và các nhu cầu chăm sóc khác.
Hạn chế chi phí phát sinh khác: Mèo chưa triệt sản thường có hành vi đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu, gây hư hại đồ đạc và tốn kém chi phí vệ sinh, sửa chữa. Triệt sản giúp kiểm soát hành vi này và tiết kiệm những chi phí không mong muốn.
Một mèo cái có thể sinh từ 3-4 lứa mỗi năm, mỗi lứa từ 2-6 mèo con. Vì thế, triệt sản là biện pháp tối ưu để giúp giảm số lượng mèo hoang, giảm bớt gánh nặng cho các tổ chức cứu hộ và cộng đồng trong việc chăm sóc và kiểm soát mèo hoang. Hỡn nữa, mèo hoang thường không được chăm sóc y tế đầy đủ, do đó dễ mắc và lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như FIV (Virus suy giảm miễn dịch ở mèo) và FeLV (Virus bệnh bạch cầu ở mèo). Triệt sản giúp giảm nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm này giữa mèo hoang và mèo nhà, bảo vệ sức khỏe của cả vật nuôi và con người.
Không ít chủ nuôi quan tâm về vấn đề “Triệt sản cho mèo có nguy hiểm không?” Câu trả lời chính xác là triệt sản cho mèo vẫn tiềm ẩn một số rủi ro như biến chứng do gây mê; nhiễm trùng vết mổ dẫn đến sưng đỏ, chảy mủ hay còn sót buồng trứng sau phẫu thuật, khiến mèo vẫn có các triệu chứng của chu kỳ động dục. Tuy nhiên, các rủi ro này hiếm khi nghiêm trọng vì phẫu thuật triệt sản là một thủ thuật an toàn và phổ biến trong thú y.
Ngoài ra, mèo đang mang bệnh hoặc quá nhỏ/quá già có thể gặp rủi ro khi triệt sản cao hơn, do đó bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ thú y trước và sau phẫu thuật.
Mèo 6 tháng tuổi là có thể triệt sản. Ở giai đoạn này, mèo đã phát triển đầy đủ về mặt sinh lý để trải qua phẫu thuật một cách an toàn, đồng thời mèo chưa bước vào chu kỳ động dục đầu tiên, giúp giảm thiểu rủi ro biến chứng trong và sau phẫu thuật.
Tùy thuộc vào các yếu tố khác mà thời điểm triệt sản ở mèo có thể khác nhau. Các giống mèo khác nhau có thời điểm trưởng thành và phát triển sinh lý khác nhau, ảnh hưởng đến thời điểm triệt sản phù hợp. Ngoài ra, những chú mèo có kích thước lớn thường cần thời gian dài hơn để phát triển hoàn thiện thể chất, nên cần triệt sản muộn hơn so với giống nhỏ. Ví dụ như thay vì triệt sản ở 6 tháng tuổi, mèo Maine Coon triệt sản lúc 9-12 tháng, mèo Ragdoll lúc 8-10 tháng, trong khi mèo Sphynx triệt sản sớm hơn, lúc chúng 4-5 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe hay bệnh lý cũng là yếu tố quyết định thời điểm triệt sản ở mèo. Các bệnh lý nền như hô hấp, tim mạch, gan, thận và tiểu đường có thể khiến mèo gặp khó khăn trong quá trình gây mê và phẫu thuật, tăng nguy cơ biến chứng ở mèo.
Ngoài ra, còn một vài trường hợp khác mà có thể ảnh hưởng đến thời điểm triệt sản của mèo như: mèo đang trong giai đoạn gào đực, mèo vừa sinh xong, mèo đang mang thai, mèo chưa tiêm phòng, mèo mắc bệnh lý. Bạn nên chú ý để đưa ra quyết định thời điểm triệt sản phù hợp nhất cho mèo.
Chi phí triệt sản cho mèo tại Việt Nam có thể dao động tùy thuộc vào nhiều yếu tố như địa điểm, cân nặng của mèo, và dịch vụ hậu phẫu. Giá triệt sản cho mèo cái thường dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng tùy thuộc vào cơ sở và tình trạng cụ thể của mèo. Giá triệt sản cho mèo đực thường rẻ hơn so với mèo cái, dao động từ 150.000 đến 350.000 đồng. Một số tổ chức và chương trình hỗ trợ có thể giúp giảm chi phí triệt sản cho những chủ nuôi gặp khó khăn về tài chính. Ví dụ, chương trình hỗ trợ 50% chi phí triệt sản tại TP.HCM do YeuDongVat Foundation tổ chức. Một số cơ sở cung cấp dịch vụ triệt sản tại nhà với mức giá có thể cao hơn nhưng mang lại sự tiện lợi và giảm stress cho mèo khi không phải di chuyển xa.
Tiêm phòng và tẩy giun đầy đủ Để đảm bảo mèo cưng có sức khỏe tốt nhất trước khi phẫu thuật, bạn cần thực hiện tiêm phòng và tẩy giun đầy đủ, đúng lịch ít nhất 2 tuần trước phẫu thuật. Điều này giúp mèo tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng sau phẫu thuật.
Lựa chọn phòng khám uy tín Hãy lựa chọn một phòng khám thú y uy tín với đội ngũ bác sĩ có bằng cấp, chuyên môn cao và đặc biệt là có tình yêu thương thú cưng. Phòng khám cần được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, phòng mổ vô trùng đạt tiêu chuẩn, phòng hồi sức riêng biệt. Bạn cũng nên tìm hiểu kỹ về quy trình phẫu thuật, bao gồm khám sàng lọc trước mổ, sử dụng thuốc gây mê và giảm đau phù hợp, chế độ chăm sóc sau mổ chuyên nghiệp. Vệ sinh cơ thể thú cưng Tắm rửa sạch sẽ cho mèo giúp giảm thiểu vi khuẩn trên da, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. Việc tắm trước phẫu thuật ít nhất 24 giờ cũng đảm bảo vùng phẫu thuật được khô ráo hoàn toàn. Chế độ ăn uống trước phẫu thuật Bạn không nên cho mèo ăn bất kỳ loại thức ăn nào trong vòng 8-9 tiếng trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, hãy đảm bảo mèo được cung cấp đủ nước trong vòng 24 giờ trước phẫu thuật để tránh tình trạng mất nước. Nếu mèo vô tình ăn uống trước phẫu thuật, hãy thông báo ngay cho bác sĩ thú y, cung cấp thông tin về loại thức ăn, thời gian và lượng ăn để bác sĩ có hướng xử lý phù hợp. Chuẩn bị môi trường hồi phục tại nhà Bạn cần chuẩn bị không gian giới hạn an toàn, thoải mái trong 10-14 ngày để hạn chế vận động của mèo sau phẫu thuật, tránh làm ảnh hưởng đến vết mổ. Đồng thời, bạn nên kiểm tra, loại bỏ vật sắc nhọn hoặc đồ vật nguy hiểm, giảm thiểu nguy cơ mèo bị thương trong quá trình hồi phục. Bạn không nên để mèo sử dụng cát vệ sinh trong ít nhất 3 ngày sau triệt sản để tránh cát dính vào vết mổ và cần chuẩn bị khăn mềm, chăn ấm để giữ ấm, giúp mèo duy trì thân nhiệt ổn định sau khi gây mê.
Triệt sản cho mèo cái là việc cắt bỏ phần buồng trứng nằm sâu trong ổ bụng. Còn triệt sản mèo đực đơn giản hơn, chỉ cần cắt bỏ bộ phận tinh hoàn. Dưới đây là các phương pháp triệt sản phổ biến cho mèo mà chủ nuôi có thể xem xét.
Phương pháp triệt sản phẫu thuật truyền thống
Đây là phương pháp phổ biến nhất, mang lại hiệu quả triệt sản vĩnh viễn. Phương pháp này cũng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, do tính chất xâm lấn với vết mổ lớn, thời gian hồi phục có thể kéo dài từ 10-14 ngày, đi kèm với nguy cơ biến chứng như chảy máu và nhiễm trùng.
Phương pháp triệt sản nội soi
Triệt sản nội soi là kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn. Thay vì tạo ra một vết nhổ lớn, bác sĩ thú y chỉ cần tạo ra 1-3 vết mổ nhỏ để đưa các dụng cụ phẫu thuật và camera vào trong ổ bụng. Phương pháp này giúp giảm đau và sưng, giảm nguy cơ biến chứng và thời gian hồi phục chỉ từ 5-7 ngày. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí cao hơn, đòi hỏi trang thiết bị và kỹ thuật chuyên biệt, đồng thời không phù hợp với mèo quá nhỏ hoặc quá lớn.
Phương pháp triệt sản hóa học
Triệt sản hóa học là hình thức triệt sản bằng thuốc để ức chế khả năng sinh sản, là phương pháp không xâm lấn, giúp giảm thiểu đau đớn cho mèo. Tuy nhiên, hiệu quả của nó không vĩnh viễn, cần tiêm thuốc lặp lại định kỳ. Hơn nữa, bệnh viện thú y Funpet khuyến cáo không nên sử dụng rộng rãi phương pháp triệt sản hóa học do những tác dụng phụ tiềm ẩn như viêm tử cung, u vú, rối loạn hormone và các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh sản.
Phương pháp triệt sản bằng dây thun
Phương pháp này chỉ áp dụng cho việc triệt sản cho mèo đực và có thể thực hiện tại nhà. Bạn chỉ cần buộc dây thun vào phần rốn của 2 tinh hoàn, lâu dần tinh hoàn sẽ tự rụng đi do tắc nghẽn mạch máu lưu thông. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến cáo vì dễ gây đau đớn và có thể dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng cho mèo. Để đưa ra quyết định triệt sản phù hợp nhất cho mèo cưng của mình, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để được tư vấn chính xác, dựa vào tình trạng sức khỏe của mèo và điều kiện của bạn.
Sau khi trải qua phẫu thuật triệt sản, mèo cần thời gian để hồi phục tại phòng khám, đảm bảo sự an toàn sức khỏe và ổn định tinh thần cho mèo. Thuốc gây mê phẫu thuật thường mất tác dụng hoàn toàn sau 18-24 giờ. Trong thời gian này, mèo có thể biểu hiện bình thường như lờ đờ, mất phương hướng, hoặc chán ăn nhẹ.
Tại Bệnh viện Thú y Funpet, mèo sẽ được theo dõi sát sao trong vòng 1-2 giờ sau phẫu thuật bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm. Khi mèo đã tỉnh táo, ổn định, bạn có thể đưa bé về nhà. Trước đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc cho mèo tại nhà và đưa ra lịch tái khám để kiểm tra vết mổ và sức khỏe tổng quát của mèo.
Mèo sau triệt sản có thể có những phản ứng bất thường mà bạn cần chú ý để chăm sóc chúng tốt nhất. Hãy liên hệ bác sĩ thú y để được tư vấn và hỗ trợ nếu mèo có bất kỳ phản ứng nào dưới đây:
Thờ ơ hoặc trầm cảm: Mèo có thể trở nên thờ ơ, ít hoạt động và trầm cảm do tác dụng của thuốc gây mê và sự thay đổi hormone sau phẫu thuật.
Chán ăn hoặc bỏ ăn: Mèo có thể mất cảm giác thèm ăn hoặc bỏ ăn trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Đây là phản ứng bình thường nhưng cần theo dõi để đảm bảo mèo không bị suy dinh dưỡng.
Liên tục trốn tránh và có ý định bỏ đi: Mèo có thể có xu hướng trốn tránh, tìm nơi ẩn nấp và có ý định bỏ đi. Điều này có thể do cảm giác đau đớn hoặc sợ hãi sau phẫu thuật.
Bụng căng: Nếu bụng mèo căng cứng, đây có thể là dấu hiệu của biến chứng sau phẫu thuật và cần được bác sĩ thú y kiểm tra ngay lập tức.
Gầm gừ hoặc rít lên: Mèo có thể gầm gừ hoặc rít lên do cảm giác đau đớn hoặc khó chịu. Đây là dấu hiệu cần theo dõi và có thể cần sự can thiệp của bác sĩ thú y nếu kéo dài.
Buồn nôn, nôn mửa: Mèo có thể cảm thấy buồn nôn và nôn mửa do tác dụng phụ của thuốc gây mê hoặc do thức ăn không phù hợp sau mổ.
Dịch tiết từ vết mổ: Nếu vết mổ có dịch tiết màu vàng, xanh lá cây, hoặc trắng và có mùi hôi, đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng và cần đưa mèo đi kiểm tra ngay lập tức.
Sau khoảng 10-14 ngày sau khi phẫu thuật triệt sản, mèo sẽ lành hẳn, vết thương sẽ dần liền sẹo và các mô nội tạng được phục hồi. Vì vậy, trong thời gian này, bạn nên chú ý chăm sóc mèo một cách cẩn thận và an toàn: - Chuẩn bị môi trường phục hồi: Hãy để mèo được nghỉ ngơi trong không gian đã được chuẩn bị từ trước, đảm bảo yên tĩnh, ấm áp (21-26°C) và tránh những đồ vật nguy hiểm. Bạn có thể tham khảo sử dụng loa (yếm chống liếm) để hạn chế việc mèo đụng vào vùng vết mổ. - Chăm sóc vết mổ: Vệ sinh vết mổ hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn theo chỉ định của bác sĩ. Bạn cần thường xuyên quan sát vết mổ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như sưng, đỏ, chảy dịch mủ, có mùi hôi…Tránh tắm cho mèo trong vòng 10-14 ngày sau phẫu thuật để tránh nhiễm trùng vết mổ. - Chế độ dinh dưỡng: Cho mèo ăn một lượng nhỏ thức ăn dễ tiêu hóa, chia thành nhiều bữa nhỏ trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật. Sau đó, hãy cho mèo ăn chế độ ăn giàu protein và ít carbohydrate, cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho quá trình lành thương. - Chăm sóc tinh thần: Dành thời gian ở bên cạnh, vuốt ve nhẹ nhàng và trò chuyện với mèo, giúp mèo cảm thấy an toàn và thoải mái hơn. Hạn chế tối đa các yếu tố gây căng thẳng cho mèo như tiếng ồn, thay đổi môi trường đột ngột. - Liên hệ với bác sĩ: Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở mèo: sốt, chán ăn kéo dài, nôn mửa hoặc tiêu chảy, trầm uất, lờ đờ.. đây có thể là dấu hiệu của biến chứng sau phẫu thuật. Đồng thời, bạn nên đưa mèo đến tái khám sau 3 ngày phẫu thuật để bác sĩ kiểm tra vết thương, tiêm thuốc cho mèo. Nếu vết mổ khô, lành tốt, bác sĩ sẽ tiến hành cắt chỉ cho mèo sau khoảng 7 ngày.
Triệt sản mèo có gây mê không? Có, mèo sẽ được gây mê toàn thân để đảm bảo an toàn và giảm đau trong quá trình phẫu thuật.
Mèo có thay đổi về thể chất và tính cách sau triệt sản không? Mèo có thể tăng cân do quá trình trao đổi chất chậm lại. Tuy nhiên, điều này có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Tính cách của mèo thường trở nên dịu dàng hơn, ít gây hấn và ít có hành vi đánh dấu lãnh thổ.
Vì sao mèo đực triệt sản vẫn có hành vi động dục? Triệt sản khiến mèo đực không còn khả năng sinh sản, nhưng một số con vẫn có thể giữ lại một số hành vi giao phối trong một thời gian. Điều này là do hormone testosterone, vốn là động lực chính cho hành vi tình dục, có thể mất vài tuần để giảm hẳn sau phẫu thuật. Do đó, bạn có thể thấy mèo đực của mình vẫn cố gắng giao phối trong vài tuần đầu sau khi triệt sản. Tuy nhiên, theo thời gian, ham muốn giao phối của chúng sẽ giảm dần khi lượng testosterone trong cơ thể giảm xuống.
Triệt sản có ảnh hưởng đến tính cách của mèo không? Sau khi triệt sản, mèo thường trở nên hiền lành và ít hung hăng hơn do giảm lượng hormone sinh dục. Tuy nhiên, tính cách cơ bản của mèo không thay đổi hoàn toàn. Một số mèo có thể trở nên ít hoạt động hơn và dễ dạy bảo hơn.
Có cần thiết phải triệt sản mèo cái nếu mèo đã được giữ trong nhà và không tiếp xúc với mèo đực? Dù mèo cái không tiếp xúc với mèo đực, việc triệt sản vẫn quan trọng để ngăn ngừa các bệnh liên quan đến hệ sinh sản như viêm tử cung, u nang buồng trứng, và ung thư vú. Ngoài ra, mèo cái không triệt sản có thể trải qua các kỳ động dục gây ra stress và hành vi khó chịu như kêu gào.
Có biện pháp nào khác ngoài triệt sản để ngăn ngừa mèo sinh sản không? Có, như việc tiêm thuốc ngừa thai cho mèo mỗi 6 tháng. Tuy nhiên, biện pháp này không an toàn và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm buồng trứng, viêm tử cung, và ung thư. Triệt sản vẫn là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất.
Hy vọng rằng những thông tin trong cẩm nang A-Z về triệt sản cho mèo này đã giúp bạn có cái nhìn toàn diện và đưa ra quyết định đúng đắn cho thú cưng của mình. Đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ thú y nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc băn khoăn nào liên quan đến triệt sản cho mèo cưng.
Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/triet-san-meo-cai-a67342.html