Theo chị Phương Mai, kể chuyện đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người, bởi nó là hình thức trao đổi và tích lũy kiến thức thông qua câu chuyện hay kinh nghiệm của những cá nhân khác.
Đây chính là yếu tố khiến con người trở thành sinh vật mạnh mẽ nhất trên hành tinh, bởi nhờ quá trình tích lũy kiến thức ấy, con người có thể làm những điều mà đặc thù sinh học không cho phép. Ví dụ, ta không có cánh, nhưng nhờ tích lũy kiến thức mà có thể làm ra máy bay. Ta cũng không có vây hay mang, nhưng vẫn có tàu thủy hay tàu ngầm để di chuyển trên hay dưới nước.
Qua hành vi kể chuyện, loài người giao tiếp với nhau tốt hơn và hiệu quả hơn. Đây là điều mà chị Phương Mai đã đúc kết không chỉ từ quá trình học tập và nghiên cứu về giao tiếp, quản trị đa văn hóa và kiến thức thần kinh não bộ, mà còn từ kinh nghiệm viết báo và thực hiện những bài phóng sự trong quá khứ.
Theo chị, từ viết báo tới làm khoa học đều là làm người kể chuyện. Cả hai đều đang cố lôi kéo sự chú ý của người đọc thông qua việc trần thuật lại một tự sự nào đó. Việc viết báo hay làm khoa học mà thiếu đi yếu tố tự sự, chỉ có những thông tin thuần túy hay những gạch đầu dòng khô khan chính là đang giết chết sự lắng nghe.
Khi chia sẻ thông tin đơn thuần bằng con số và dữ liệu, bộ phận não liên quan tới ngôn ngữ sẽ được kích hoạt. Nhưng nếu ta chia sẻ thông tin bằng một câu chuyện, toàn thể não bộ sẽ sáng bừng. Hành vi kể chuyện khiến người lắng nghe như được sống trong câu chuyện, có những neuron thần kinh hay hormone được tiết ra như khi đang thực hiện hành động trong chuyện.
Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/pgs-ts-nguyen-phuong-mai-a67501.html