Tiến sỹ là một nghề chứ không phải chặng cuối của đi học ra làm quan

Tọa đàm "Tản mạn về khoa học" bàn về chức danh tiến sỹ và giáo sư đã thu hút nhiều học giả, trí thức. Tham dự tọa đàm, GS toán học Vũ Hà Văn chia sẻ góc nhìn của mình về đề tài này.

Làm tiến sỹ chứ không phải học tiến sỹ

Ở vị trí diễn giả của buổi tọa đàm, nhà toán học, GS Vũ Hà Văn dẫn câu chuyện những khoa thi thời phong kiến được ghi lại trong tác phẩm Lều Chõng của Ngô Tất Tố. Ở đó, những thí sinh sẽ dùi mài kinh sử, trải qua các kì thi để đạt danh hiệu tiến sỹ với nhiều bổng lộc triều đình.

"Định nghĩa tiến sỹ thời hiện đại rất đơn giản. Đó là một chứng chỉ để cho những người làm khoa học chuyên nghiệp bắt đầu làm khoa học chuyên nghiệp. Ngày xưa, đạt tiến sỹ là chặng cuối của việc đi học rồi, sau đấy sẽ làm quan", GS Vũ Hà Văn so sánh.

Tiến sỹ là một nghề chứ không phải chặng cuối của đi học ra làm quan - 1

GS Vũ Hà Văn tại buổi Tọa đàm "Tản mạn về khoa học".

Theo GS Vũ Hà Văn, chu trình làm tiến sỹ ở Châu Âu và Mỹ thường bắt đầu sau khi sinh viên học xong đại học, muốn làm khoa học sẽ xin đi học tiếp sau đại học. Một số ít trường hợp vẫn sẽ đi làm vài năm rồi quay trở lại làm nghiên cứu. Độ tuổi của nghiên cứu sinh bởi lẽ đó thường rất trẻ, 90% dưới 30 tuổi, thậm chí dưới 25 tuổi.

GS Vũ Hà Văn lưu ý việc sử dụng khái niệm "làm tiến sỹ" chứ không phải "học tiến sỹ". Các quốc gia Âu - Mỹ coi đây như một nghề và người làm tiến sỹ được trả lương.

"Phần lớn các trường chấp nhận một cá nhân làm tiến sỹ sẽ được trả lương từ nhiều nguồn. Có thể từ quỹ của trường, từ thầy hướng dẫn hay cũng có thể từ nguồn của một nhà hảo tâm… Điều này tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh không phải quá lo lắng cho đời sống hàng ngày".

Thời gian làm tiến sỹ kéo dài trong khoảng 5 đến 8 năm tùy theo ngành và phải toàn tâm toàn ý, không được phép làm thêm bất kì việc gì khác. Và cũng từ thời điểm này, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một chuyên ngành sâu và buộc phải tìm ra điều mới mẻ. Điều này khác với phương thức làm tiến sỹ trong lịch sử, học theo sách có sẵn để vượt qua các kì thi.

"Làm tiến sỹ là một nghề được trả tiền và anh phải làm ra cái gì khác có giá trị trong lĩnh vực mình theo đuổi. Nếu làm tiến sỹ mà phải đồng thời làm nghề khác nuôi thân và chỉ dành thời gian buổi tối thôi thì thời gian không phải 5 năm mà cần kéo dài 15 đến 20 năm", GS Vũ Hà Văn khẳng định.

Ở Việt Nam đến thời điểm này có Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện cấp học bổng cho sinh viên làm tiến sỹ. Học bổng được cấp xét hàng năm tối đa 100 triệu đồng/người/năm với nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/người/năm với thực tập sinh sau tiến sĩ. Theo GS Vũ Hà Văn, đây đáng được coi như tín hiệu mừng và đúng với mô hình của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Tại các quốc gia Âu - Mỹ, làm xong tiến sỹ, nhà trường sẽ không "nuôi" nữa, cũng đồng nghĩa đó là thời điểm nghiên cứu sinh bắt đầu xin việc. Công việc của họ thường rẽ theo hai hướng, hoặc theo hướng hàn lâm, tức là về các Viện nghiên cứu hoặc trường đại học và có thể tiếp tục cho con đường làm giáo sư.

Hướng khác, họ có thể làm trong các ngành công nghiệp. Ví dụ làm tiến sỹ về máy tính thì có thể rất dễ dàng được các hãng lớn như Google nhận hoặc làm cho các cơ quan công quyền của Nhà nước. Nhưng hướng đi này sẽ không đảm bảo tiến sỹ đó tiếp tục được làm nghiên cứu.

Phong giáo sư cũng giống như việc anh là cầu thủ đá cho đội bóng nào.

Việc phong giáo sư trên thế giới đi theo hai mô hình gồm Hội đồng Giáo sư Nhà nước và theo từng trường. Mô hình Hội đồng Giáo sư Nhà nước được áp dụng tại nhiều quốc gia Đông Âu trước đây. Còn việc phong giáo sư ở Mỹ thuộc về từng trường và giáo sư cũng chỉ là một nghề nghiệp cụ thể.

Tiến sỹ là một nghề chứ không phải chặng cuối của đi học ra làm quan - 2

Khách mời tham dự Tọa đàm.

"Giống như môn thể thao bóng đá. Cầu thủ chuyên nghiệp nghĩa là người sống bằng nghề đá bóng thì những người có bằng giáo sư là những người sống bằng nghề nghiên cứu khoa học và đào tạo. Vấn đề mấu chốt của công việc này giống như việc anh cầu thủ đá cho đội nào mà thôi. Cũng danh xưng giáo sư nhưng khác nhau ở chỗ giảng dạy cho trường đại học nào.

Các trường cũng không tùy tiện tuyển dụng, kể cả là nơi đào tạo ra Tổng thống Mỹ cũng không tạo ra sức ép để phong ai đó làm giáo sư trừ khi dựa trên các công trình nghiên cứu của chính người ấy", GS Vũ Hà Văn mô tả việc phong giáo sư ở Mỹ bằng ví dụ từ bộ môn thể thao vua.

Việc tuyển các giáo sư vào làm việc ở Mỹ cũng thực hiện theo phương châm hiệu quả kinh tế. Khoa Toán nơi GS Vũ Hà Văn công tác có đến 2/3 giáo sư người nước ngoài, không sinh ra, không quốc tịch Mỹ, thậm chí học đại học ở nước ngoài rồi mới sang Mỹ. Khi một giáo sư về hưu, nhà trường cần người tương đương kịp thời bổ khuyết vị trí này. Trong một danh sách gồm tất cả những giáo sư đầu ngành trên thế giới, nhà trường chọn gửi thư mời đến khoảng 20 người uy tín nhất.

Khi có hồi đáp, nhà trường sẽ sẵn sàng trả mức lương cao gấp đôi, gấp ba, trả một phần tiền thuê, mua nhà, tặng một quỹ để làm nghiên cứu… Tức là sẵn sàng sắp xếp tốt nhất về tài chính và do đó, thường thành công trong việc mời các giáo sư hàng đầu thế giới.

"Nước Mỹ không thiệt đâu. Các quốc gia khác đào tạo từ tấm bé, rồi các gia đình phải đầu tư cho con em, từ một đứa trẻ thông minh, có năng khiếu 10 tuổi trở thành một nhà khoa học ở tuổi 40. Nước Mỹ hoàn toàn không mất khoản đầu tư đó thì việc trả lương cao hoàn toàn xứng đáng và còn cực kì hiệu quả".

Nguồn lợi nữa từ việc các trường Đại học mời các giáo sư hàng đầu thế giới về giảng dạy thể hiện ở việc sẽ có nhiều sinh viên chọn học tại trường.

Nguồn lợi thứ ba nằm ở chính các công trình nghiên cứu của chính các giáo sư. Những công trình nghiên cứu có giá trị của họ sẽ nhận được khoản hỗ trợ lớn từ nhà nước, các tập đoàn, công ty và cả các quỹ đầu tư. Nhà trường sẽ được nhận được phí quản lý, tức khoảng 35% từ các nguồn đầu tư. Riêng khoản thu này đã tương đương chi phí trả lương cho vị giáo sư được mời về.

Những năm gần đây, Trung Quốc cũng thuộc những quốc gia "dám chi mạnh tay cho những lời mời giáo sư hàng đầu về công tác". GS Vũ Hà Văn cho biết.

Cùng GS Vũ Hà Văn, còn rất nhiều ý kiến từ các trí thức hàng đầu đến cả những sinh viên trẻ tuổi tham dự tọa đàm với mong muốn về việc nhận diện, thay đổi trong tư duy về chức danh tiến sỹ, giáo sư và thúc đẩy hơn nữa những đóng góp chuyên sâu của họ trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa đất nước.

Theo VOV2

Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/tien-sy-a67805.html