Người Việt vô công rồi nghề, hay than vãn, không lý tưởng

Vô công rồi nghề, nặng về rên rỉ than vãn

Trong con mắt các trí thức, người Việt xưa lười biếng. Ở Quốc dân độc bản xuất bản 1907 (tài liệu do Đông Kinh Nghĩa thục soạn) có viết: Những kẻ chơi bời lười biếng, vô công rồi nghề, dựa vào người khác mà sống, hưởng lợi mà không sinh lợi, thật chẳng khác gì giống ký sinh trùng trong loài động vật. Đó là những con mọt nước…

Quen thói ỷ lại vào người thì dù có tâm có lực cũng không dùng được mà dùng cũng chẳng được lâu, tâm tư tài lực ắt sẽ nhụt dần. Hơi khó khăn gian khổ là rên rỉ, than vãn, uất ức bó tay chịu chết. Hỏi vì sao không cải lương nói lệnh trên chưa thay đổi. Hỏi vì sao không học tập, nói không có tài năng. Như thế thì xã hội ngày một suy, nước làm sao mạnh được?

Nguoi Viet vo cong roi nghe, thieu ly tuong anh 1 Sách Người xưa cảnh tỉnh.

Không chỉ bản thân lười biếng, những người làng xóm còn thích níu kéo kìm hãm nhau phát triển. Nguyễn Văn Vĩnh viết trong Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã (Đông Dương Tạp Chí, 1914): Dân trí hẹp hòi, ở ta nhiều người học hành chẳng qua mong lấy thi đỗ làm quan cho làng cho họ được nhờ.

Công nghệ buôn bán thường đợi khách đến tận làng mà mua những đồ chế hóa. Người bất đắc dĩ phải đi xa cầu thực, hồ kiếm được đồng tiền dư, trước hết phải lo nghĩ tới việc dựng cái nhà thờ, tậu vài ba mẫu ruộng ở quê quán mình.

Nói việc nhỏ nhặt như người đi làm công làm việc, nhiều kẻ vì nghĩa làng nước mà quên đến cả nghĩa doanh sinh, chỗ cao lương bổng không cầu, mà cầu lấy nơi ít tiền nhưng được tư án quán, tức có tên về làng về nước; kẻ bán buôn nơi thành thị hoặc kẻ có tài chế hóa ra được thứ hàng gì khéo, vị yêu nghệ mà chuyên nghệ thì ít, song vị muốn tăng công để lấy chút danh mệnh để đem mặt về ngẩng nơi đình đám thì nhiều, cho nên lòng ao ước nhỏ nhen được thỏa là không lo gì đến nghệ nữa.

Tính dễ ỷ lại được Phan Bội Châu chỉ ra trong Cao đẳng quốc dân (1928): Tục ngữ có câu rằng "Tháp đổ đã có Ngô xây/ Việc gì vợ góa lo ngày lo đêm". Tháp đó là tháp của ta, ta không xây được hay sao? Nghểnh đầu nghểnh cổ trông ngóng, nếu Ngô không sang thì vạn tuế thiên thu chắc không bao giờ có tháp. Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bồ nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao? Thì chỉ vì ỷ lại.

Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm tình người nước ta. Nếu ai cũng lo gánh vác một phần trách nhiệm của mình thì có gánh gì không cất nổi. Nhưng tội tình thay, anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một khối ỷ lại. Anh Cột trong mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thím Lục, mà chú Kèo, thím Lục lại ỷ có anh Cột cô Hường rồi. Rày lần mai lữa, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách nhiệm.

Sống không lý tưởng, hợm hĩnh

Hoa Bằng viết trong bài Hư sinh (Tri Tân, 1943): Có chí mà không làm nổi, đó là vì tài lực không đủ thật không đáng trách. Nhưng trong chúng ta, đáng trách là hạng người sau: Sống ở đời, không có mục đích gì cao hết. Họ không có một cuộc đời lý tưởng. Họ không coi một thứ gì là đáng ham chuộng, ngoài sự làm tôi đồng tiền mặc dầu phải quăng bỏ liêm sỉ bán rẻ nhân cách.

Ngoài ra lại còn một hạng cho ai cũng là người vô vị, việc gì cũng là việc không đáng làm, ngất ngưởng qua ngày, hững hờ đoạn tháng, để đồng tiền huyết hãn của cha mẹ vợ con vào vòng trời hoa đất rượu, phung phí tuổi giàu sức khỏe vào những cuộc đỏ đen suốt sáng, mây khói thâu canh. Họ cốt sống để tìm những thỏa mãn về vật dục…

Nguoi Viet vo cong roi nghe, thieu ly tuong anh 2 Người Việt xưa sống thiếu lý tưởng, phụ nữ cũng ham mê bàn đèn thuốc phiện.

Không những sống thiếu lý tưởng, người Việt xưa thường co mình trong hủ lậu. Trong Văn minh tân học sách (1908) có viết: Kìa những kẻ ham mê đàn sao, đầu hồ (một trò chơi của người xưa), bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thủy ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, chả kể làm gì.

Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tí được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo, ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những tiểu thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém hơn nữa thì chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác.

Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến (chỉ lớp người thuộc thế hệ sau, chứ không phải người kém cỏi): "Các thày muốn ra làm quan, thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo mới". Ôi, nếu không biết đến sách mới thì thôi, chớ đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi khiến cho không nghe không thấy chuyện gì, để rồi tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thế thiệt nên lấy làm đau đớn.

Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/vo-cong-roi-nghe-la-gi-a68207.html