12 dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn và cách xử lý
Một số người không biết cách chăm sóc răng miệng đúng cách sau khi nhổ răng khôn dẫn đến nhiễm trùng. Tuy nhiên, người bệnh thường nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng trễ nên gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết sau đây, BS.CKI Nguyễn Thị Châu Bản, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM liệt kê một số dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn và cách xử lý.
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn là gì?
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn là tình trạng ký sinh trùng, vi khuẩn hoặc virus sinh sôi và phát triển gây đỏ, viêm, sưng có thể chảy máu ở khu vực răng khôn vừa nhổ. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đều xảy ra sau khi thực hiện nhổ răng khôn do việc vệ sinh không đảm bảo hoặc quá trình nhổ răng khôn có sai sót.
Biến chứng sau khi nhổ răng khôn này rất hiếm gặp và người bệnh không điều trị kịp thời, chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như: viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, nhiễm trùng xoang hàm, hoại tử ở sàn miệng hoặc thậm chí gây tử vong.
Danh sách các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn
Một số dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn, bao gồm:
1. Tình trạng đau nhức không thuyên giảm
Sau khi nhổ răng khôn người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội và giảm dần sau khoảng 3-14 ngày. Tuy nhiên, người bệnh cứ đau nhức nhiều, không thuyên giảm có khả nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn. (1)
2. Cảm thấy khó thở hoặc khó nuốt thức ăn
Khi người bệnh nhổ răng khôn sai cách có thể dẫn đến trật khớp cắn. Điều này khiến người bệnh khó nhai, nuốt thức ăn, tức ngực và khó thở,… Ngoài ra, người bệnh dị ứng với thuốc kháng sinh, kháng viêm dùng sau khi nhổ răng cũng gây nhiễm trùng và ảnh hưởng đến khoang miệng.
3. Chảy máu quá nhiều hoặc kéo dài tại vị trí nhổ
Sau khi nhổ răng khôn, mạch máu ở niêm mạc và nướu tổn thương gây chảy máu. Thông thường, sau khi nhổ răng khôn máu chỉ chảy tối đa khoảng 60 phút và bắt đầu quá trình đông máu. Tuy nhiên, một số trường hợp máu vẫn tiếp tục chảy, thậm chí kéo dài khoảng 1-2 ngày. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo người bệnh nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn. (2)
4. Nướu xung quanh vị trí nhổ bị sưng tấy
Sau khi nhổ răng khôn, người bệnh thường sưng má và phù nề mặt do nướu chịu lực lớn từ việc tác động cơ học. Một số người bệnh sẽ đau, nhức lâu hơn do nướu viêm nhiễm. Nếu người bệnh không điều trị sớm, nướu sẽ nhiễm trùng nặng hơn. (3)
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn thường gây đỏ, viêm, sưng có thể chảy máu ở khu vực răng khôn vừa nhổ.
5. Hôi miệng hoặc có vị lạ trong miệng
Tình trạng này xuất hiện kèm triệu chứng đau, sưng, nổi mủ có thể báo hiệu việc nhổ răng khôn đã gây nhiễm trùng. Ngoài ra, hôi miệng cũng có thể do người bệnh chưa vệ sinh răng miệng đúng cách. (4)
6. Cảm giác tê buốt hơn 1 tuần tại vị trí nhổ răng khôn
Đây là triệu chứng bình thường sau khi nhổ răng khôn. Người bệnh có thể giảm ê buốt sau khoảng 1-3 ngày khi được chăm sóc đúng cách. Trường hợp, người bệnh ê buốt kéo dài hơn 1 tuần, đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn.
7. Xuất hiện mủ ở khu vực răng khôn đã nhổ
Tại vị trí nướu của răng khôn vừa nhổ, thức ăn vô tình mắc vào sẽ tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển nếu người bệnh không vệ sinh răng miệng đúng cách. Theo thời gian, người bệnh không điều trị nướu này nhiễm trùng và sưng to kèm mủ.
8. Thấy đau khi há - ngậm miệng
Người bệnh sau khi nhổ răng khôn thường đau nhức và thậm chí khó khăn trong việc mở, đóng miệng. Tình trạng nặng này có thể cảnh báo ổ răng đã nhiễm trùng do quá trình vệ sinh sau khi nhổ không được đảm bảo. (5)
9. Bị sốt trong vòng 1 tuần sau khi nhổ răng khôn
Người bệnh có cơ địa yếu, sau khi nhổ răng khôn có thể sốt và kéo dài khoảng 1-2 ngày. Tuy nhiên, nếu sau 1 tuần người bệnh không hết sốt, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra vì có thể dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng do chân răng còn sót.
10. Sưng hạch bạch huyết
Sau khi nhổ răng khôn, người bệnh sốt kéo dài kèm nổi hạch có thể là dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn.
11. Vùng răng bên cạnh nhạy cảm hơn
Các răng xung quanh dễ ê buốt khi tiếp xúc với thức ăn nóng hoặc lạnh. Đây là một triệu chứng bình thường sau nhổ răng khôn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo vết khâu nhổ răng khôn bị nhiễm trùng.
12. Cơ thể mệt mỏi, khó chịu hoặc ớn lạnh
Người bệnh sẽ thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, ớn lạnh và sốt hơn kéo dài có thể dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn. Ngoài ra, người bệnh nổi hạch ở vùng cổ, sau tai do cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Nguyên nhân vết khâu nhổ răng khôn bị nhiễm trùng là gì?
Vết khâu nhổ răng khôn nhiễm trùng do những nguyên nhân sau:
Do vị trí của răng khôn: răng khôn nằm sâu, cắm chặt vào xương hàm nên bác sĩ cần rạch nướu mới có thể tiếp cận và nhổ được. Việc này khiến vết thương lớn, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập sâu hơn.
Do kỹ thuật của bác sĩ: bác sĩ ít hoặc không có kinh nghiệm trong việc nhổ răng khôn và xử lý vết thương sẽ không thực hiện đúng kỹ thuật và tạo cơ hội cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập gây nhiễm trùng. Vì vậy, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ có tay nghề chuyên môn nhổ răng khôn để đảm bảo quá trình và kết quả điều trị đạt mức tốt nhất, an toàn và nhanh lành thương.
Do môi trường và dụng cụ tại phòng mổ: dụng cụ nhổ răng khôn buộc phải được vệ sinh sạch và đảm bảo vô trùng. Tuy nhiên, một số nha khoa kém uy tín không vô trùng dụng cụ trước khi nhổ răng khôn nên tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và tấn công vết thương.
Do vệ sinh răng miệng kém: sau khi nhổ răng khôn, một số người bệnh chủ quan với việc vệ sinh răng miệng. Điều này khiến vết thương có nguy cơ nhiễm trùng cao.
Do bệnh lý răng miệng:một số bệnh răng miệng, nhiễm trùng từ các răng kề cận có thể lan sang vị trí nhổ răng khôn như viêm nướu, sâu răng, viêm quanh răng, viêm tủy, amidan, chấn thương liên quan đến xương hàm, nhiễm khuẩn tuyến nước bọt,… Bệnh răng miệng sẽ gây ảnh hưởng chân răng và tạo dịch mủ.
Thói quen xấu trong ăn uống và sinh hoạt: người bệnh có thói quen xấu trong trong ăn uống và sinh hoạt sẽ khiến vi khuẩn tấn công vùng điều trị, gây nhiễm trùng. Sau đó, vi khuẩn có thể xâm nhập làm nhiễm trùng máu. Nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị, người bệnh có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như khó thở, đau nhói vùng tim, viêm màng ngoài tim….
Do giảm miễn dịch: bệnh tiểu đường hoặc dùng các loại thuốc như steroid có thể thể dễ nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn do suy giảm hệ miễn dịch. Ngoài ra tuổi già, béo phì và các yếu tố khác có thể làm giảm khả năng chữa lành vết thương, dẫn đến dễ nhiễm trùng.
Bác sĩ ít hoặc không có kinh nghiệm trong việc nhổ răng khôn và xử lý vết thương sẽ dễ gây nhiễm trùng.
Chẩn đoán nhiễm trùng sau nhổ răng khôn
Bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng sau nhổ răng khôn bằng cách sau:
Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ khám tổng quát răng miệng khách hàng. Đồng thời, bác sĩ kiểm tra tình trạng sưng mặt, sưng hạch, sốt và đặc biệt vị trí răng khôn cần nhổ.
Chụp X-quang nha khoa: bác sĩ sẽ cho người bệnh chụp X-quang, chụp CT để đánh giá tình trạng mất xương, sót chân răng, áp xe và mức độ nhiễm trùng.
Xét nghiệm máu: bác sĩ sẽ cho người bệnh xét nghiệm máu để chẩn đoán tình trạng sức khỏe. Kết quả xét nghiệm đưa ra số lượng bạch cầu tăng cao, người bệnh đang nhiễm trùng. Ngoài ra, việc xét nghiệm máu còn giúp bác sĩ kiểm tra bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề sức khỏe có thể gây nhiễm trùng ổ răng.
Xét nghiệm vi sinh: phương pháp này sẽ phân tích và chẩn đoán hình ảnh vi sinh vật dựa trên mẫu bệnh phẩm để tìm ra nguyên nhân gây nhiễm trùng. Đồng thời, xét nghiệm vi sinh hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng sau nhổ răng khôn.
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn có nguy hiểm không?
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn rất nguy hiểm và cần điều trị kịp thời. Nếu người bệnh không đến gặp bác sĩ để điều trị, bệnh tiến triển nặng gây viêm xương ổ răng, viêm xương tủy và xương hàm. Cụ thể:
1. Viêm xương ổ răng sau nhổ răng
Viêm xương ổ răng sau khi nhổ răng khôn xuất hiện ở người bệnh thường sử dụng thuốc tránh thai và thói quen hút thuốc. Ngoài ra, người bệnh nhổ răng khôn hàm dưới thường có tỷ lệ mắc viêm xương ổ răng cao hơn so với vị trí ở hàm trên. Người bệnh viêm xương ổ răng sau nhổ răng khôn thường cảm thấy đau kéo dài khoảng từ 2 - 3 ngày. Cơn đau này có thể lan đến tai và thậm chí ở đỉnh đầu.
2. Viêm tủy xương hàm
Người bệnh viêm tủy xương hàm sau nhổ răng khôn thường đau, nhức vùng điều trị, sốt cao và sưng kéo dài từ 1-4 tuần. Ngoài ra, bác sĩ có thể thấy mảnh xương chết sau khi chụp X-quang cho người bệnh. Viêm tủy xương hàm thường nhầm với viêm xương ổ răng nên khiến điều trị sai hướng, bệnh trở nên nghiêm trọng và gây biến chứng nguy hiểm.
3. Hoại tử xương hàm
Hoại tử xương hàm là tổn thương cực kỳ nghiêm trọng, nếu người bệnh không điều trị kịp thời, xương hàm có nguy cơ hoại tử. Người bệnh nghi có dấu hiệu hoại tử xương hàm như đau, răng bên cạnh lung lay, vùng điều trị nổi mủ,… hãy đến gặp bác sĩ để được lên liệu trình điều trị kịp thời.
4. Ảnh hưởng đến các khu vực lân cận
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng là tình trạng nguy hiểm và có thể gây biến chứng sang các cơ quan khác như viêm mô tế bào vùng hàm mặt, nhiễm trùng xoang, áp xe cổ,…
5. Nhiễm trùng huyết
Đây là bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào máu. Bệnh có thể làm suy giảm dòng chảy của máu trong việc nuôi các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Nhiễm trùng huyết cũng hưởng đến nồng độ oxy đi nuôi các tế bào và hệ hô hấp.
6. Viêm tấy lan tỏa và hoại thư ở sàn miệng Ludwig
Nhiễm trùng hàm dưới đặc biệt ở răng cối lớn thứ 2 và 3 có thể dẫn đến hoại tử ở sàn miệng Ludwig. Người bệnh nếu không điều trị sớm có thể tắc nghẽn đường thở và tử vong.
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận
Điều trị nhiễm trùng sau nhổ răng khôn
Người bệnh không nên tự điều trị nhiễm trùng sau nhổ răng khôn tại nhà vì có thể để lại nhiều biến chứng, không đạt hiệu quả điều trị và khiến ổ viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh hãy đến bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để đảm bảo an toàn sức khỏe người bệnh và hạn chế để lại biến chứng. Các phương pháp điều trị nhiễm trùng sau nhổ răng khôn, bao gồm:
Thuốc kháng sinh: thuốc kháng sinh được chỉ định nếu người bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Bởi, thành phần trong thuốc sẽ tiêu diệt nhiều chủng vi khuẩn khác nhau như penicillin, hoặc clindamycin. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được kê thêm một số thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Dẫn lưu áp xe: bác sĩ sẽ rạch và dẫn lưu bất kỳ ổ áp xe nào hiện có. Việc này thường được thực hiện bằng cách đặt ống thoát cao su để đưa mủ thoát ra ngoài.
Làm sạch ổ răng: bác sĩ sẽ nạo rửa các mảnh vụn như thức ăn, mô chết, cặn bẩn,… khỏi ổ răng để loại bỏ nhiễm trùng. Vì vậy, người bệnh cần vệ sinh răng miệng đúng cách để hạn chế tình trạng nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn.
Ghép xương nếu xương hàm bị tổn thương: đây là kỹ thuật bổ sung xương vào bên trong hàm để tái tạo phần xương đã bị tiêu biến. Phương pháp này giúp xương dày và cứng chắc hơn. Ngoài ra, ghép xương còn đáp ứng các chức năng sinh lý và tính thẩm mỹ.
Nhập viện điều trị nếu nhiễm trùng nghiêm trọng: trường hợp nguyên nhân nhiễm trùng do bệnh mạn tính khác sẽ có mức độ nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể cần nhập viện để điều trị nhiễm trùng và bệnh nền đó. Điều này nhằm ngăn tình trạng nhiễm trùng tái phát và bệnh nền gây biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Cách xử lý nhiễm trùng sau khi nhổ răng tại nhà
Sau khi nhổ răng khôn tại nhà người bệnh có thể áp dụng một số cách xử lý nhiễm trùng, bao gồm:
Chườm lạnh/ấm giúp giảm sưng/giảm đau: Việc chườm lạnh trong 24h đầu giúp giảm chảy máu ở vị trí ổ răng khôn. Đồng thời, chườm ấm sau 24h giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, dịu cơn đau, nhức do tình trạng nhiễm trùng sau nhổ răng khôn gây ra.
Vệ sinh răng miệng đúng cách: Người bệnh sau điều trị cần vệ sinh răng miệng đúng cách, ít nhất 2 lần/ngày. Đồng thời, người bệnh có thể dùng thêm chỉ nha khoa để loại bỏ vụn thức ăn thừa ở kẽ răng.
Có chế độ ăn uống lành mạnh: Sau khi nhổ răng khôn, người bệnh nên ăn món mềm, lỏng như: sữa, súp, cháo,…. và tránh thực phẩm quá cứng, dai dễ gây tổn thương khoang miệng. Lưu ý, 1 tuần đầu sau khi nhổ răng khôn, người bệnh không ăn món có vị cay nóng, chua hoặc mặn và không uống đồ có cồn như bia, rượu.
Uống thuốc được kê đơn của bác sĩ: Người bệnh sau khi nhổ răng khôn cảm thấy đau nhức kéo dài sẽ có nguy cơ cao nhiễm trùng. Tình trạng này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt sớm để được kê đơn thuốc kháng sinh và giảm đau.
Điều chỉnh chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng và nghỉ ngơi: Người bệnh nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn cần nghỉ ngơi hợp lý, giữ chế độ ăn uống phù hợp và không hút thuốc lá hoặc uống rượu, bia,…
Tái khám theo lịch hẹn: Khi có dấu hiệu nghi nhiễm trùng sau nhổ răng khôn, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị và đi đúng lịch hẹn tái khám. Việc tuân thủ lịch hẹn tái khám sẽ giúp bác sĩ nắm rõ tình trạng người bệnh và đưa ra biện pháp tốt nhất, xử lý ổ nhiễm khuẩn.
BS.CKI Nguyễn Thị Châu Bản, khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Tâm Anh TPHCM đang điều trị cho người bệnh.
Cách ngăn ngừa nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn
Một số cách ngăn ngừa nhiễm trùng và chăm sóc sau nhổ răng khôn, bao gồm:
Chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày.
Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sau khi nhổ răng khôn.
Chọn địa chỉ nhổ răng khôn uy tín.
Sử dụng chỉ nha khoa ít nhất 2 lần/ngày.
Đến khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần.
Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Tâm Anh hội tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ tận tâm giúp chẩn đoán và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh.
Đặt biệt, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có các dịch vụ chuẩn 5 sao gồm:
Chọn bác sĩ, đặt lịch khám.
Hỗ trợ thanh toán BHYT.
Tiến sĩ, Thạc sĩ, bác sĩ đầu ngành về Răng Hàm Mặt.
Khu phòng nội trú, phòng khám chuẩn khách sạn.
Dịch vụ chăm sóc tận tâm.
Ngoài ra, chuyên khoa Răng Hàm Mặt còn liên tục cập nhật trang thiết bị hiện đại từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới như:
Máy piezotome - Công nghệ nha khoa dùng sóng siêu âm hỗ trợ cắt chân răng, mở nướu, tạo hình khung xương hàm,… không xâm lấn.
Máy cạo vôi răng Pyon 2 giúp quá trình điều không đau bằng sóng siêu âm nhập từ Áo.
Đèn quang trùng hợp công nghệ LED hỗ trợ kỹ thuật trám răng diễn ra nhanh chóng.
Sau khi nhổ răng khôn, nhiều người bệnh không biết vệ sinh răng miệng đúng cách hoặc mắc bệnh nền nên dễ nhiễm trùng. Thông qua bài này, người người bệnh nhận biết được dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn và đến ngay chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Tâm anh TP.HCM để được kiểm tra và điều trị kịp thời.