Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 19-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 19-2
Sự kiện trong nước
- Từ ngày 19-2 đến ngày 28-2-1952, quân đội ta đã chặn đánh và phá tan cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đồng Tháp Mười. Trong cuộc tấn công này, địch đã huy động 3.000 quân, 75 xe lội nước, 39 tàu chiến và có cả máy bay yểm trợ. Ta chặn đánh các mặt, tiêu diệt 780 tên, làm bị thương 790 tên, phá huỷ 3 tàu chiến, 4 xe lội nước, đồng thời khiến lực lượng còn lại của địch phải rút chạy.
- Ngày 19-2-1965, cuộc đảo chính chính quyền Tướng Nguyễn Khánh của Tướng Lâm Văn Phát và Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã diễn ra và bị thất bại. Đại tá Phạm Ngọc Thảo là một trong những tình báo viên xuất sắc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam được cài cắm vào trong chính quyền Ngụy Sài Gòn với nhiệm vụ “thay đổi chế độ”.
- Từ ngày 19 đến ngày 22-2-1974, Hội nghị đại biểu Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh đã diễn ra. Có 383 đại biểu thay mặt cho 2.800.000 đoàn viên về dự, trong đó có 15 anh hùng chiến sĩ thi đua. Hội nghị nghe và thảo luận báo cáo phương hướng, nhiệm vụ Đoàn thanh niên lao động trong tình hình mới.
- Ngày 19-2-1977, Cung thiếu nhi Hà Nội được khánh thành. Cung có một ngôi nhà 6 tầng, hai ngôi nhà 2 tầng, một rạp Khǎn quàng đỏ với 500 chỗ ngồi, một sân trượt patin, một sân ôtô điện và đặc biệt có Nhà truyền thống Bác Hồ với thiếu nhi Thủ đô.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 19-2-1473, Nicolaus Copernicus, nhà thiên vǎn học vĩ đại của thế giới, sinh ra tại Torun, một thành phố ở phía Bắc miền Trung Ba Lan. Ông được xem là cha đẻ của nền thiên văn học hiện đại và là nhà khoa học châu Âu hiện đại đầu tiên đề xuất rằng Trái Đất và các hành tinh khác xoay quanh Mặt Trời.
- Ngày 19-2-1878, nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison đã được cấp bằng sáng chế cho máy quay đĩa.
- Ngày 19-2-1945, trong giai đoạn cuối của Thế chiến thứ 2, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tấn công đảo Iwo Jima để giành quyền kiểm soát hòn đảo quan trọng này và đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân đội Nhật.
Theo dấu chân Người
- Ngày 19-2-1923, tờ “L’Humanité” (Nhân Đạo) đăng truyện “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc. Với giọng văn hài hước, tác giả châm biếm Vua Khải Định giống như “một con rối” mua vui cho dân chúng chính quốc trong chuyến sang Pháp của ông ta.
- Ngày 19-2-1925, từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi các đồng chí Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, bày tỏ mong muốn được biết tình hình hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp và cho biết những công việc ở Trung Quốc “rất thú vị”, trong đó có việc tập hợp các lực lượng cách mạng Việt Nam. Kèm theo thư, Người còn gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo kết quả hoạt động, trong đó có nhắc đến việc đã thiết lập cơ sở của Quốc tế Cộng sản ở Quảng Châu, các đầu mối liên lạc ở miền Nam Trung Quốc và Xiêm (Thái Lan), cử người về nước, và gửi sinh viên Việt Nam sang Mátxcơva học tập.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tous, Pháp, tháng 12-1920. Ảnh: Hochiminh.vn- Ngày 19-2-1931, giữa lúc phong trào cách mạng đang bùng phát mạnh mẽ ở trong nước, Nguyễn Ái Quốc đã viết hai bài báo. Bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” khẳng định “Nghệ-Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”. Còn bài “Khủng bố trắng ở Đông Dương” lên án sự đàn áp của chế độ thực dân và nêu cao chí khí của những chiến sĩ cách mạng trước các phiên tòa của chính quyền thuộc địa ở Thái Bình, Hà Nội, Nam Định...
- Ngày 19-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Thông tư về việc đình công nhằm đối phó với một số thủ đoạn kích động của các lực lượng chống đối, trong đó nghiêm khắc quy định:
“Xét rằng trước tình thế nghiêm trọng hiện giờ, chúng ta cần tập trung toàn lực để chống ngoại xâm,
Xét rằng tổng đình công là một lợi khí chỉ nên dùng để đối quân địch, chứ không bao giờ nên dùng để chia rẽ nội bộ,
Tôi, Chủ tịch Chính phủ lâm thời, hạ mệnh lệnh cho toàn thể viên chức và dân chúng phải làm việc như thường, trừ khi có chỉ thị của Chính phủ”.
- Ngày 19-2-1960, vợ chồng luật sư Francis Henry Loseby, ân nhân đã cứu Bác Hồ khỏi nhà tù của thực dân Anh ở Hồng Kông (1931-1933) sau khi trở về từ chuyến thăm Việt Nam đã gửi thư cảm ơn Bác. Trong thư có đoạn: “Ngài nói rằng tôi đã cứu sống Ngài, điều đó có thể đúng, nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và mãi mãi là một việc làm sáng suốt...”
(Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Ngày 19-2-1959, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô các chú phải là người tốt”.
Lời dạy trên của Bác có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Người đến việc giáo dục, bồi dưỡng các em thiếu niên, nhi đồng, thế hệ trẻ tương lai của đất nước, mà còn nhắc nhở đội ngũ cán bộ giáo viên phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện bản thân trở thành người tốt, là tấm gương mẫu mực, trong sáng cho trẻ học tập và noi theo.
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Xuân Đinh Mùi, 9-2-1967). Ảnh: Hochiminh.vnCâu nói đó cũng thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác đối với nền giáo dục nước nhà, cần biến quá trình đào tạo, giáo dục thành tự đào tạo, tự giáo dục. Người làm công tác giáo dục trước hết phải biết tự giáo dục, phải là người tốt; người có tâm, có đức, yêu ngành, yêu nghề, thương yêu con trẻ như chính bản thân mình. Đã là một giáo viên, nếu không có đạo đức tốt, không yêu trường, mến nghề, tận tụy với học sinh thì khó lòng mà say mê, toàn tâm toàn ý với công việc, phấn đấu vươn lên để nâng cao năng lực chuyên môn. Đạo đức của người giáo viên là một đòi hỏi cao, ngoài đạo đức công dân nói chung họ còn phải bao gồm đạo đức người thầy giáo.
Trong đạo đức người thầy giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, để giáo dục học sinh thì người giáo viên trước hết phải gương mẫu, tận tâm với trẻ, với nghề bởi đây là cơ sở, động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?”. Yêu trò - là phải tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự tiến bộ của học trò, “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy”. Yêu nghề, yêu trò còn thể hiện trong cách quan tâm, chăm lo, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần trong trường học. Bác dặn: “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”.
Trong bối cảnh hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của đời sống chính trị, xã hội trong nước và quốc tế và những yêu cầu mới đặt ra cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lời căn dặn “Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô các chú phải là người tốt” của Bác vẫn giữ nguyên giá trị. Tư tưởng đó, đã, đang và sẽ được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục và đào tạo, cũng như bồi dưỡng, rèn luyện, phát triển những thế hệ con người Việt Nam đủ sức, đủ tài, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Báo Quân đội nhân dân số 6711 ra ngày 19-2-1980 có bài viết: “Đuốc Bác Hồ đến thành phố Huế ngày đầu Xuân” nói về việc rước đuốc từ Làng Sen, quê hương của Bác Hồ, về thành phố Huế. Ngọn đuốc tượng trưng cho ánh sáng chân lý soi đường cách mạng Việt Nam được mọi tầng lớp nhân dân thành phố đón chào bằng lòng kính yêu vô hạn.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19-2-1980.TRUNG THÀNH (Tổng hợp)
Link nội dung: https://liveproject.edu.vn/ngay-19-2-la-cung-gi-a75965.html