Hiện có nhiều phương pháp điều trị trĩ hỗn hợp, đáp ứng đa dạng tình trạng bệnh khác nhau. Việc chữa trị kịp thời và đúng cách góp phần cải thiện triệu chứng, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
Phương pháp điều trị trĩ hỗn hợp hiện nay
1. Điều trị nội khoa
1.1 Thay đổi lối sống
Cách này áp dụng cho trường hợp bị nhẹ đến trung bình. Bác sĩ sẽ hướng dẫn những phương pháp cải thiện tình trạng đau và sưng như:
- Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống: Bác sĩ khuyến cáo người mắc trĩ hỗn hợp nên bổ sung khoảng 20 - 35g chất xơ mỗi ngày. Những thực phẩm giàu chất xơ gồm ngũ cốc, rau xanh, trái cây, các loại đậu… Điều này hỗ trợ làm mềm phân, giúp việc đại tiện dễ dàng hơn. Từ đó hạn chế áp lực rặn lên tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng,giúp cải thiện được bệnh trĩ. (1)
- Ngâm nước ấm: ngâm vùng hậu môn trong bồn tắm ngồi bằng nước ấm khoảng 10-15 phút. Thực hiện khoảng 2-3 lần mỗi ngày. Điều này giúp thư giãn cơ vòng, tăng lưu lượng máu và giảm tình trạng kích ứng. Thường áp dụng với tình trạng trĩ sa kẹt.
- Đi vệ sinh đúng cách: Đi vệ sinh càng sớm càng tốt khi cảm thấy muốn đi đại tiện. Ngồi xổm là tư thế đi vệ sinh tốt nhất cho người bị trĩ hỗn hợp. Trong lúc đại tiện, không nên cố rặn và đi quá lâu. Sử dụng khăn giấy mềm mại và lau chùi nhẹ nhàng sau khi vệ sinh.
- Thay đổi thói quen: Hạn chế ngồi tại một vị trí quá lâu. Thay vào đó, người bệnh nên đi lại và vận động nhiều hơn.
- Uống nhiều nước: Tùy theo thể trạng, người bệnh nên uống khoảng 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày. Nước giúp làm mềm phân, giảm triệu chứng sưng đau do búi trĩ.

1.2 Điều trị trĩ hỗn hợp bằng thuốc
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng những loại thuốc điều trị trĩ hỗn hợp như:
- Thuốc giảm đau: thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hoặc naproxen, acetaminophen, ibuprofen (Advil hay Motrin IB) giúp giảm đau và viêm.
- Thuốc dùng tại chỗ: thuốc/kem bôi trĩ, thuốc đạn chứa hydrocortison…
- Thuốc tăng trương lực tĩnh mạch giúp tăng độ bền thành mạch.
2. Điều trị thủ thuật
2.1 Thắt búi trĩ bằng vòng cao su
Đây là cách điều trị hạn chế tối đa xâm lấn. Biện pháp này thường áp dụng cho trường hợp trĩ nội. Để thực hiện, bác sĩ sẽ đặt một vòng cao su đặc biệt thắt quanh gốc búi trĩ nhằm ngăn nguồn cung cấp máu đến nó. Từ đó búi trĩ sẽ từ từ teo lại và rụng đi trong khoảng 1 tuần.
2.2 Chích xơ búi trĩ
Bác sĩ sẽ tiêm một loại hóa chất đặc trị vào búi trĩ để làm xơ hóa. Điều này nhằm giảm lượng máu lưu thông đến búi trĩ và khiến nó teo dần sau khoảng 4-6 tuần.
2.3 Quang đông hồng ngoại
Với cách điều trị trĩ hỗn hợp này, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chiếu ánh sáng hồng ngoại vào búi trĩ. Nhiệt độ từ ánh sáng này tạo ra mô sẹo, cắt đứt nguồn cung máu cho búi trĩ.
3. Phẫu thuật
3.1 Cắt trĩ truyền thống (Milligan-Morgan)
Phương pháp Milligan Morgan được áp dụng điều trị trĩ hỗn hợp nặng hoặc bệnh trĩ tái phát. Để thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành bóc tách các búi trĩ bằng điện nhiệt theo hướng từ ngoài vào trong. Sau khi hoàn tất, phần cầu da niêm mạc được giữ và khâu lại.
Phương pháp cắt trĩ Milligan Morgan có ưu điểm là chi phí thấp và tỷ lệ thành công cao. Đồng thời, rất ít trường hợp tái phát bệnh sau khi thực hiện. Tuy nhiên, người bệnh cần nhiều thời gian để hồi phục sau phẫu thuật. Trung bình, cần 2-3 tháng để vết thương lành lại và hồi phục hoàn toàn. (2)
3.2 Phẫu thuật Longo
Phẫu thuật cắt trĩ Longo được chỉ định cho trường hợp bị trĩ hỗn hợp vòng. Phương pháp này sử dụng dụng cụ chuyên biệt dùng một lần, gọi là máy cắt nối tự động Longo (PPH). Máy thực hiện cắt nối một khoanh niêm mạc và dưới niêm mạc một vòng phía trên các búi trĩ. Thông qua đó ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến búi trĩ, làm xẹp búi trĩ và ngăn chảy máu.
Phương pháp này được đánh giá cao vì ít gây đau đớn và thời gian thực hiện nhanh chóng. Đặc biệt, nhờ không có vết mổ ngoài nên chăm sóc hậu phẫu dễ dàng. Người bệnh có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường sau khi xuất viện.

Làm thế nào để ngăn ngừa trĩ hỗn hợp tái phát sau điều trị?
Trĩ hỗn hợp sau điều trị vẫn có khả năng tái phát nếu gặp phải các yếu tố nguy cơ. Để phòng tránh tình trạng này, có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi và đánh giá mức độ hồi phục, can thiệp sớm nếu cần.
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ và vitamin, uống đủ nước. Điều này giúp nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón, giảm áp lực khi đi đại tiện.
- Hạn chế tiêu thụ những thực phẩm cay nóng, thức ăn nhanh, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Tránh ngồi hoặc đứng tại một chỗ quá lâu vì sẽ tăng áp lực lên trực tràng và hậu môn, khiến bệnh trĩ dễ tái phát.
- Tập luyện những môn thể thao vừa sức như đi bộ, yoga, bơi lội… khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Không nhịn đại tiện hoặc tiểu tiện quá lâu. Tránh rặn mạnh khi đi đại tiện hoặc đi quá lâu.
Thắc mắc thường gặp
1. Khi nào cần phẫu thuật để điều trị trĩ hỗn hợp?
Phương pháp phẫu thuật cắt trĩ hỗn hợp được áp dụng khi người bệnh thuộc trường hợp:
- Búi trĩ quá lớn và tổn thương nặng, xuất hiện nguy cơ biến chứng như chảy máu nhiều, tắc mạch trĩ dẫn đến hoại tử…
- Các phương pháp điều trị như dùng thuốc hoặc các thủ thuật (thắt trĩ bằng vòng cao su, chích xơ) không mang lại hiệu quả.
Tùy theo tình trạng và mức độ đáp ứng của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, người bệnh nên đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán nhằm tìm ra phương án điều trị tối ưu, giảm thiểu tối đa rủi ro cho sức khỏe.
2. Điều trị trĩ hỗn hợp có đau không?
Điều này tùy thuộc vào phương pháp chữa trĩ hỗn hợp và mức độ tổn thương. Điều trị bằng các thủ thuật ít xâm lấn hoặc phẫu thuật có thể gây đau nhẹ hoặc trung bình. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp đều giảm dần sau khi hoàn thành và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên lựa chọn những phòng khám, bệnh viện uy tín, có hệ thống trang thiết bị hiện đại để điều trị.
3. Có thể điều trị trĩ hỗn hợp tại nhà không?
Có thể chữa bệnh trĩ hỗn hợp tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý mua thuốc hoặc áp dụng bất kỳ biện pháp nào mà chưa được bác sĩ chỉ định.
4. Trĩ hỗn hợp có thể tự khỏi được không?
Với một số trường hợp, bệnh trĩ nhẹ có thể tự khỏi trong vòng vài ngày. Nếu tổn thương nghiêm trọng hơn, người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán tình trạng và nguyên nhân gây bệnh. Qua đó điều trị theo phương án tối ưu nhất để cải thiện triệu chứng, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
5. Điều trị trĩ hỗn hợp có cần nằm viện không?
Điều này tùy thuộc vào phương pháp điều trị trĩ hỗn hợp. Phần lớn người bệnh không cần nằm viện. Thay vào đó có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà và thăm khám theo hướng dẫn. Chỉ trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm hoặc có nguy cơ biến chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nằm viện để theo dõi và xử lý khi có vấn đề phát sinh.
6. Điều trị trĩ hỗn hợp ở đâu tốt?
Trung tâm Nội soi và và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ điều trị trĩ hỗn hợp uy tín cho nhiều trường hợp, từ nhẹ đến nặng.
Tại đây quy tụ đội ngũ bác sĩ trong lĩnh vực Nội soi tiêu hóa, Nội khoa và Ngoại khoa Tiêu hóa - Gan Mật Tụy - Hậu môn trực tràng có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Bệnh viện áp dụng nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ các cấp độ, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Song song đó, bệnh viện còn đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, hỗ trợ tốt nhất trong việc thăm khám và điều trị.
Quy trình thăm khám chuyên nghiệp và khoa học. Cơ sở vật chất khang trang và sạch sẽ, đem lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng khi đến với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Để đặt lịch thăm khám tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, vui lòng liên hệ:
Khi điều trị trĩ hỗn hợp, người bệnh lựa chọn cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Trong quá trình điều trị, nên tuân thủ theo phác đồ và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhằm đạt kết quả tốt nhất.